LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

CON VẪN TRÔNG CẬY CHÚA THA THỨ TỘI LỖI CHO CÁC LINH HỒN



                                   


 Khi ấy Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài,  vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.  
Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết."
                         Tội lỗi và sự tha thứ


                              

Qua các bài Tin Mừng trong Tân Ước, lời giảng dạy của Chúa Giêsu đem lại cho con người tràn đầy niềm hy vọng đối với thân phận mỏng giòn yếu đuối của một kiếp người.

Lời giảng dạy của Chúa Giêsu là tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa là Người Cha nhân hậu đối với con người, trải dài xuyên suốt trong cuộc đời của Chúa Giêsu ngay từ khi Ngài bắt đầu giảng dạy công khai cho đến khi Ngài bị treo trên Thập Giá.

Ta có thể điểm lại một số lời giảng dạy và việc làm của Chúa Giêsu về tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho con người như sau:

Dụ ngôn “Người Cha nhân hậu” . (Lc.15,11-32)“Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Người Pharisêu và người thu thuế (Lc.18,9-17). “Còn người thu thuế thì đứng đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi". Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.”

Tên mắc nợ không biết thương xót (Mt.18,23-35). "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn như chính ta đã thương xót ngươi sao ?"

Ngưởi phụ nữ ngoại tình (Ga.8,1-11) “Đức Giê-su nói: "Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !"

Người phụ nữ tội lỗi được tha thứ (Lc.7,36-50). Rồi Ðức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được cả tội?” Nhưng Ðức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

Phêrô chối Thầy (Lc.22,54-62). Nhưng ông Phêrô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì!" Ngay lúc ông còn đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông: "Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần".Và ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết.

Trên Thập Giá (Lc.23,33-34). “Bấy giờ Đức Giê-su cầu nguyện rằng: ‘Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm’”

                     Con vẫn trông cậy Chúa.
                                  

Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người?". (Lc.11,13).

Thế nên, Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, trong đó có câu “xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ” (Lc 11,2-4; Mt 6,9-13).

Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người, ta có thể nhận ra, qua lời Ngài dạy ta cầu nguyện, tình yêu của Thiên Chúa - sự yêu thương, chăm sóc, bao dung, tha thứ của Thiên Chúa dành cho chúng ta, cho con người.

Nên nỗi buồn lầm lỗi, giọt lệ sám hối ăn năn, không phải là những giờ phút oằn quại trong tối tăm, nhưng là niềm tin yêu mãnh liệt trong ánh sáng tình yêu Thiên Chúa. Ta luôn cậy trông vào lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa – Người Cha Nhân Hậu của con người ở trên trời.


Bước lỗi lầm không hủy hoại cả đời ta.
Nó không làm sụp đổ cuộc đời ta.
Vì ta có Tình Cha nâng đỡ.
Vì ta có Tình Yêu Thiên Chúa bao la thương xót vô bờ.

Chúng ta tin rằng, Cha trên trời sẽ rộng vòng tay đón nhận những đứa con yếu đuối lầm lỗi vào Đại Gia Đình Thiên Quốc - những tín hữu đã qua đời - và rồi cả chúng ta mai này.

                 
       Hôm nay là bạn, ngày mai lại chính tôi .
                   

                     Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ,
                                Cho các đẳng linh hồn 
                               Đặng lên chốn nghỉ ngơi
                       Hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời
                         Sáng láng vui vẻ vô cùng. Amen.


Điều mà Thiên Chúa chờ đợi nơi con người chính là niềm tin yêu vào Ngài chứ không phải là làm được gì cho Ngài.
                                     

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

CẦU NGUYỆN VỚI MẸ MARIA CHO CÁC LINH HỒN TRONG LUYỆN NGỤC



       

 Con ơi giữ lấy lời cha.
 Chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm.
 Đèn soi trong chốn tối tăm
 Ấy là chính những lời răn, lệnh truyền
 Nhớ cầu cho bậc tổ tiên,
 Khắc ghi công đức một niềm tri ân
                 
Vì thế, Giáo Hội Công Giáo, đã dành trọn tháng 11 hằng năm, để cầu nguyện cho các linh hồn. Trong tháng 11 này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa địa (vườn thánh), chỉnh trang những ngôi mộ cho mới hơn.
Thánh Công Đồng Vatican II cũng nói trong hiến chế về Mầu Nhiệm Giáo Hội như sau: "Giáo Hội lữ hành hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh..."; "Khi được về quê Trời và hiện diện trước nhan Chúa, nhờ Người, với Người và trong Người, các thánh lại không ngừng cầu bàu cho chúng ta bên Chúa Cha...". Sự trao đi nhận lại này nói lên tinh thần hiệp thông, bổn phận và đức ái. Trong tinh thần Kitô giáo

Hôm nay, Giáo Hội hoàn vũ dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn, tại Việt Nam, nhiều nơi có truyền thống dâng thánh lễ tại nghĩa địa (vườn thánh). Khi tham dự thánh lễ ngoài nghĩa địa như thế, chúng ta quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân. Hẳn lòng không khỏi bùi ngùi khi thắp que nhang, cây nến để tưởng nhớ người đã khuất. Rồi sốt sắng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho các ngài sớm được về nơi hạnh phúc và bình an. Lời bài hát mà mỗi khi thánh lễ an táng được cử hành, chúng ta thường hay hát: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”.
 Khi hát như thế, chúng ta biểu hiện niềm tin của mình thật mạnh mẽ vào sự sống đời sau, vì chết không phải là hết. Chết chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu. Khi cầu nguyện như thế, ấy là lúc chúng ta đang sống niềm tin của mình vào Đấng đã Phục Sinh từ cõi chết và, mong sao người thân của chúng ta đã lìa đời cũng được phục sinh như vậy. 
Tuy nhiên, Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Như vậy, khi ở bên nấm mồ của người đã khuất, gợi cho chúng ta ý thức về sự linh thiêng và hiệp thông sâu xa trong mầu nhiệm Các Thánh cùng thông công.

Khi sống mầu nhiệm hiệp thông này, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho các ngài, bởi vì các ngài chưa được về cùng Chúa, nên các ngài còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.

                            

Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống với chúng ta. Các ngài là cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là những người ân nhân, thân nhân . Các ngài là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về với nơi mà từ bụi đất mình đã là khởi điểm kiếp người. 

Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, là sống tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái. Không lẽ chúng ta bỏ mặc các ngài trong khi các ngài không thể làm gì hơn được nữa để cứu lấy chính mình?.

Cầu nguyện cho các linh hồn còn là một bổn phận mà xét theo sự liên đới đây thì đây chính là lẽ công bằng, bởi vì biết bao điều tốt đẹp các ngài đã làm cho chúng ta khi còn sống, đôi khi vì chúng ta, mà các ngài phải chịu liên lụy và phải đền bù trong luyện ngục. 

Như vậy, trong thiếu xót, bất toàn của các ngài, chúng ta một phần có trách nhiệm, nên việc cầu nguyện cho các linh hồn chính là lẽ công bằng buộc chúng ta phải làm vì lòng biết ơn các ngài... Sự hy sinh của các ngài thật lớn lao, không bút nào viết cho hết, không miệng nào kể cho xuể. Quả thật, chúng ta được lớn khôn và nên người là nhờ vào sự vất vả một nắng hai sương, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của cha mẹ, ông bà.... Từ những đêm thức trắng lo toan, đến những ngày ngược xuôi bươn chải để kiếm cho con cháu chén cơm ăn cho ấm lòng, chiếc áo ấm che thân khi trời lạnh, mấy đồng xu cho ta học hành, thuốc thang... Cha mẹ chấp nhận tất cả để miễn sao cho con cái có tiếng cười, được hạnh phúc và bình an. Như vậy trong sự sung túc, niềm vui của chúng ta có đau khổ (sự chết) của đấng sinh thành.

Hãy cầu nguyện cho các linh hồn vì đây là việc làm có giá trị hơn hết, bởi vì trong Giáo Hội, chúng ta sống mầu nhiệm hiệp thông. Hôm nay chúng ta dâng lễ, những hy sinh, lời cầu nguyện cho các linh hồn sớm được siêu thoát, để các ngài trở nên những vị thánh trước tòa Chúa, các ngài lại cầu nguyện cho chúng ta.

Và mỗi khi đứng trước nghĩa địa, trước các phần mộ của người thân, hay chứng kiến một đám tang nào đó, ta hãy nhớ rằng một ngày nào đó tôi cũng sẽ phải chết như họ. 
Nghĩ được như thế, ấy là dịp chúng ta nghĩ đến thân phận mong manh của kiếp người.
 Nghĩ được như thế, là ta chuẩn bị cho hành trang về với Chúa qua những cái giấy thông hành được kết tinh từ những những việc lành phúc đức, những hy sinh... 

Nghĩ được như vậy, là ta đang tiến dần đến sự sống. Nói như thánh Phaolô thì: “Mỗi ngày tôi phải đối diện với cái chết”. Đối diện với nó để ta chuẩn bị cho ngày cái chết đến rước chúng ta về với Chúa trong thanh thản và bình an.

Lạy Chúa, mỗi khi chúng con đứng trước nấm mộ của người thân, xin cho chúng con biết nhớ đến các linh hồn để cầu nguyện cho các ngài, và xin cũng cho chúng con ý thức được thân phận mỏng manh của kiếp người để sám hối và chuẩn bị cho cuộc ra đi của mình có ý nghĩa. Ước gì mai sau chúng con cũng được hợp cùng các bậc tổ tiên để ca ngợi Chúa không ngừng trên Thiên Quốc. Amen.




THÁNH PHANXICÔ .VÀ SỰ NGHÈO KHÓ CỦA CON NGƯỜI




 Thánh Phanxicô xem đức nghèo là nền tảng của đời sống cộng đoàn, bởi vì nghèo khó là nền tảng của sự lệ thuộc hỗ tương. Khi chúng ta túng thiếu, chúng ta lệ thuộc người khác.
 Phanxicô xem Đức Kitô là gương mẫu và trung tâm của cộng đoàn, chỉ vì Người đã sống nghèo và tồn tại nhờ của bố thí, vì thế mà sống nghèo là lệ thuộc người khác (và lệ thuộc Thiên Chúa). 
Tóm lại, quyền tư hữu có thể làm phương hại đời sống cộng đoàn, vì khi chúng ta có của riêng cùng lòng ham muốn sở hữu, chúng ta không cần đến người khác nữa. Xét như là hành động sở hữu, quyền tư hữu có thể tạo nên óc tự mãn, độc lập và chia rẽ. Vì óc chiếm hữu mà chúng ta có thể đặt mình trên người khác, hay chống lại kẻ khác.
 Thánh Phanxicô chỉ ra rằng người ta sống chung với nhau không phải vì có một quan điểm chung hay vì công việc chung, mà vì Thánh Thần tình yêu. Là sự lệ thuộc triệt để, đức nghèo là ngôn ngữ tình yêu, là quan tâm lẫn nhau. Ngôn ngữ ấy muốn nói rằng: “Tôi cần bạn, tôi cần tài năng và sự tốt lành của bạn, ý kiến và sự trợ giúp của bạn. Căn tính và bản chất của bạn là điều thiết yếu đối với tôi, bởi vì không có bạn thì tôi không thể là tôi thật sự.”
 Đức nghèo là tác nhân của sự bình đẳng, bởi vì đức nghèo làm cho mọi người lệ thuộc và quảng đại với nhau. Đó là một hình thức tuân phục, bởi vì nó liên quan đến việc buông bỏ ý riêng vì yêu thương nhau.
 Đức nghèo phát biểu bằng ngôn ngữ tình yêu hỗ tương, bởi vì trong thực chất thì đức nghèo muốn nói rằng: “Tôi cần bạn giúp tôi hoàn thành cuộc sống của mình.” Nếu chúng ta không tự nguyện buông bỏ những điều mình bám víu khi tương quan với nhau, chúng ta không có đức nghèo và cũng không thể quý trọng những quà tặng của tình yêu mà Thiên Chúa đã gieo trồng nơi mỗi con người độc đáo, và trong mọi khía cạnh của tạo thành. Chỉ khi nào chúng ta sống mà không có của riêng và không bám víu sự vật, bấy giờ chúng ta mới được tự do và cởi mở mà nhận lãnh tình yêu Thiên Chúa qua sự tốt lành nhỏ bé của tạo thành.

Đức nghèo nhắc chúng ta nhớ lại sự thật thâm sâu của đời sống con người: Chúng ta là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên và lệ thuộc Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Chính đức khiêm hạ, chị em của đức nghèo, thúc đẩy chúng ta nhìn nhận mọi sự chúng ta có đều là quà tặng. Khiêm hạ là chấp nhận con người đích thực của mình, những mặt mạnh và yếu kém, và lấy tình yêu mà đáp lại quà tặng sự sống. Nhờ đức khiêm hạ mà người ta có thể mở lòng đón nhận một tinh thần mới và dâng trả tạo thành cho Chúa Cha. 
Thomas Merton nói rằng, nếu chúng ta thật lòng khiêm hạ, chúng ta sẽ không lo lắng về mình, mà chỉ lo sao được ở với Thiên Chúa.[21] Một quan niệm như thế dường như chỉ có thể áp dụng cho các thánh. 
Tuy vậy, khi chúng ta được giải thoát khỏi những quyến luyến đối với sự vật mà chúng ta bám víu, bấy giờ chúng ta có thể theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng, sống thật sự trong tình yêu và tận hiến trong đời sống thờ phượng.
 Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đừng chú ý đến trái đất, nhưng hãy hướng mắt về một nơi gọi là thiên đàng mà chúng ta có thể tưởng tượng.
 Thật ra, tôn thờ Thiên Chúa là nhìn ngắm sự tốt lành của mọi loài thụ tạo có mặt trên quả đất này, một hành tinh tuyệt diệu đang xoay vần trong giải ngân hà. 
Tôn thờ Thiên Chúa là nhận thức rằng mọi thụ tạo đều do Thiên Chúa dựng nên, đồng thời chúng phản ánh quyền năng, sự khôn ngoan và sự tốt lành của Thiên Chúa, và được dựng nên để chia sẻ sự sống trong Thiên Chúa.
 Nhờ đức nghèo, chúng ta có thể chiêm ngắm sự tốt lành của Thiên Chúa nơi tạo thành, bởi vì đức nghèo cho chúng ta sự tự do để nhìn thấy sự vật như chúng là: Đó là những quà tặng độc đáo, không thể nhân bản và đầy yêu thương của Thiên Chúa.
 Chỉ những ai cảm nghiệm và nhìn thấy thế giới như một biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, kẻ ấy mới có thể từ bỏ lòng ham muốn chiếm hữu. Trong tương quan giữa người với người, đức nghèo cho phép chúng ta mở lòng ra mà chấp nhận lẫn nhau, đón nhận và chia sẻ với nhau
 Đức nghèo là nền tảng của ơn gọi làm người, bởi vì đức nghèo liên quan đến  tự hủy. Nếu việc chia sẻ tình yêu là đặc điểm của ba ngôi Thiên Chúa, sự nghèo khó cũng là nền tảng của một cộng đoàn nhân loại đích thực. Chỉ việc quan tâm đến nhau mới thật sự làm cho đời sống có tính nhân đạo hơn
 Barbara Fiand khẳng định rằng, sở dĩ người nghèo (về mặt kinh tế) được chúc phúc, ấy là vì họ biểu thị cho sự liên đới, biểu lộ sự thiếu thốn của mình và hiểu rõ sự thiếu thốn của mình. Chính sự thiếu thốn này làm cho họ cởi mở, có tinh thần tiếp thu và có lòng biết ơn.[22]
 Những ai đủ cởi mở và trống rỗng, cần tiếp nhận và muốn trao ban những gì mình đã đón nhận với lòng biết ơn, kẻ ấy mới là những người nghèo và có khả năng chỉ dạy chúng ta biết con đường nghèo khó là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.


Tôi biết có những người hết sức xúc động khi nhớ lại những tác hại nhỏ nhặt mà người khác gây ra cho mình trong quá khứ, cho dù kẻ gây ra những cảm xúc đau đớn ấy đã chết lâu rồi. 
Người ta có thể giữ chặt những bóng ma trong quá khứ và không chịu sống trong hiện tại. 
Họ không phải là người nghèo và không thể vui hưởng sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa. Thánh Phanxicô xem sự tức giận, hay sự nao núng vì tội lỗi của người khác là mặt nạ che đậy lòng ham muốn chiếm hữu.
 Người bảo chúng ta hãy quan tâm đến người có tội hơn là tội lỗi của người ấy. Nếu không, chúng ta sẽ bám víu vào sự tức giận và cảm thấy khó chịu, bởi vì chúng ta tự cho mình là người công chính và có quyền xét đoán kẻ có tội.[19]

 Sự tức giận có thể làm cho đời sống cầu nguyện tiêu tan và cản trở chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa.

 Trong Huấn ngôn 14, thánh Phanxicô đã viết:

“Có lắm người chuyên cần đọc kinh cầu nguyện và ăn chay phạt xác, nhưng khi có ai nói lời gì đó có vẻ xúc phạm đến họ, hay lấy mất vật gì của họ, thì họ liền nổi giận và mất hết bình tĩnh. Những người như thế không có tinh thần nghèo khó.”[20]





Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

TÌNH CA THẬP TỰ






                            TIN MỪNG : Lc 13,31-33



31 Một hôm, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng: "Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông! "32 Người bảo họ: "Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: "Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất.33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.

34 "Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! "



Một câu chuyện
Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.

Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh.

 Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.

Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham.

 Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. 
Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. 
Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... 

Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.

Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.

Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.


 Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? 

Đó là câu hỏi mà mỗi anh chị em Phan sinh tại thế chúng ta sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ ?

Vì chính Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề đau khổ .

Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống.
"Hãy vác lấy thập giá và theo Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. 

Người Phan sinh tại thế hãy mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống.

 Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. 

Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.

Thánh Phaolô khuyên người Kitô hữu chúng ta :

“Anh em hãy tìm sức mạnh trong Chúa. Hãy mang toàn bộ binh giáp,vũ khí của Thiên Chúa là Lời của Ngài, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ.

 Anh em hãy thắt đai lưng chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, hăng say loan báo Tin Mừng bình an ; hãy luôn cầm khiên mộc là Đức Tin, nhờ đó anh em sẽ có thể dập tắt mọi tên lửa của ác thần. 

Anh em hãy để Thần Khí hướng dẫn, hãy dùng mọi lời kinh và tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi”

                                     TẠ ƠN CHÚA
                       Tôma.Ap Huỳnh văn Thêm.ofs


Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014

PHANXICÔ ASSISI .NGƯỜI NGHÈO CỦA THIÊN CHÚA




Văn hào Hy Lạp Gnikos-Kazasakis, trong tác phẩm có tựa đề "Người Nghèo Của Thiên Chúa", đã viết về thánh Phanxicô như sau:
Khi mặt trời vừa ló dạng, tôi và người bạn của tôi lên đường. Chúng tôi đến một thành phố nhỏ mà tôi không nhớ tên. Người bạn của tôi vốn là người bạn chí thân của Phanxicô từ thuở nhỏ. Tình cờ gặp vị thành giữa chợ, anh ta chạy đến vị thánh ôm lấy ngài và nói:
Này anh Phanxicô, ai đã khiến anh ra nông nỗi này?


Phanxicô đáp: Chúa làm.

Bạn tôi hỏi tiếp: bao nhiêu áo quần đẹp của anh, cả những chiếc lông chim gắn trên chiếc mũ dạ của anh thuở nào, sao mất cả rồi? À! Còn mấy chiếc nhẫn vàng trên tay anh đâu?

Phanxicô lại cười đáp: rằng ai đã cho tôi mượn, tôi đã trả lại tất cả cho họ rồi.

Bạn tôi đưa mắt nhìn từ đầu đến chân vị thánh, anh không thể tưởng tượng được người bạn hào hoa thuở nào bây giờ ra tiều tụy như thế này. Quần áo rách tả tơi, không mũ, không giầy dép. Cảm thương đến rơi lệ, anh liền hỏi vị thánh:

Này anh Phanxicô, anh đến từ đâu vậy?

Thánh nhân đáp: từ một thế giới khác.

Bạn tôi hỏi tiếp: Vậy anh đi đâu?

Thánh nhân chỉ tay về phía trước và nói: đi về một thế giới khác.

Bạn tôi lại thắc mắc: sao anh lại ca hát?

Thánh nhân giải thích: tôi hát để khỏi quên đường.

Loài người là loài duy nhất được Thiên Chúa đặt để trong tim nỗi khát vọng hạnh phúc. Có khát vọng là có khắc khoải, có khắc khoải là có tìm kiếm. Mỗi người một cách, nhưng xem chừng con người đuổi theo cái bóng của hạnh phúc hơn là chính hạnh phúc. Có người tưởng hạnh phúc nằm trong giàu sang, có người tìm kiếm trên quyền bính danh vọng, có người tìm kiếm trong lạc thú. Nhưng kinh nghiệm cho chúng ta thấy tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú, cuối cùng cũng chỉ làm cho con người thất vong chán nản.

Là Ðấng đã đặt để trong trái tim con người khát vọng hạnh phúc, cho nên chỉ có Thiên Chúa mới có thể chỉ cho con người biết đâu là hạnh phúc đích thực, và để mạc khải cho chúng ta niềm hạnh phúc đích thực ấy, Thiên Chúa đã sai Con Một của Ngài đến trong thế gian. Thật thế, Chúa Giêsu là hiện thân của niềm hạnh phúc đích thực ấy, Ngài là con người duy nhất trên trần gian đã đạt được niềm hạnh phúc đích thực ấy.


Chúa Giêsu đã để lại cho nhân loại hiến chương hạnh phúc. Từ 2,000 năm qua đã có biết bao nhiêu người đã sống theo hiến chương ấy và đã thực sự đạt được hạnh phúc đích thực.

Cùng với Chúa Giêsu, họ nói với chúng ta rằng hạnh phúc đích thực không nằm trong tiền tài, quyền bính, danh vọng, lạc thú. Họ nói với chúng ta rằng, sống hạnh phúc là sống như chính Chúa Giêsu, đó là một cuộc sống hoàn toàn cho Thiên Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa vì đã dựng nên chúng con có một tâm hồn luôn khao khát hạnh phúc, xin hướng dẫn chúng con để chúng con không chạy theo ảo ảnh của hạnh phúc, mà luôn sống theo chân Con Một Chúa, là Ðấng luôn chỉ cho chúng con biết rằng hạnh phúc đích thực là hướng về Chúa và sống cho tha nhân. Amen.



Thứ Hai, 27 tháng 10, 2014

LỄ CÁC ĐẴNG .CẦU CHO CÁC TÍN HỮU ĐÃ QUA ĐỜI 2/11



Thánh Vịnh 130
                      Tiếng kêu từ vực thẳm
1 Ca khúc lên Đền.
Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,
2 muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
3 Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng?
4 Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.
5 Mong đợi CHÚA, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.
6 Hồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Hơn lính canh mong đợi hừng đông,
7 trông cậy CHÚA đi, Ít-ra-en hỡi,
bởi CHÚA luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
8 Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.


Lạy Chúa, xin chiếu soi ánh sáng ngàn thu trên các linh hồn, và xin cho họ được nghỉ yên muôn đời. Amen.


                           
 Tin Mừng: Jn 6, 51-58
                                             LỄ NHẤT

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống". Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"

Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời". Đó là lời Chúa





Tin Mừng: Lk 23, 33.39-43 

                                                 LỄ NHÌ

Khi đã đến nơi gọi là Núi Sọ, chúng đóng đinh Người vào thập giá cùng với hai tên trộm cướp, một đứa bên hữu một đứa bên tả Người. Một trong hai kẻ trộm bị đóng đinh trên thập giá cũng sỉ nhục người rằng: "Nếu ông là Ðấng Kitô, ông hãy tự cứu ông và cứu chúng tôi nữa".

Ðối lại, tên kia mắng nó rằng: "Mi cũng chịu đồng một án mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, như thế này là đích đáng, vì chúng ta chịu xứng với việc chúng ta làm, còn ông này, ông có làm gì xấu đâu?" Và anh ta thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi". Chúa Giêsu đáp: "Quả thật, Ta bảo ngươi: ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta".

Đó là lời Chúa


                     Tin Mừng: Jn 6:37-40 

                                                                        LỄ BA

Tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài, vì tôi tự trời mà xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi. Mà ý của Đấng đã sai tôi là tất cả những kẻ Người đã ban cho tôi, tôi sẽ không để mất một ai, nhưng sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Thật vậy, ý của Cha tôi là tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết." Đó là lời Chúa




LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ 1/11






Cách đây non hai ngàn năm có một người để lại một di chúc, một chương trình. Chương trình quen được gọi là "8 mối phúc thật" do Chúa Giêsu biên thảo. Trải qua bao thế hệ mãi cho đến thời đại chúng ta, vô số những tín hữu Kitô nhờ áp dụng chương trình này mà trở thành vĩ nhân.

Mừng kính những vĩ nhân ấy trong ngày lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta hãy noi gương các ngài đem ra thực hành mỗi mối phúc thật trong cuộc sống, để càng sống chúng ta càng phát triển, tiến bộ trên con đường thánh thiện mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho mỗi người chúng ta.

 Đức Gioan Phaolô II đã nói về kho tàng chân lý phong phú của Kitô Giáo trong phụng vụ, đặc biệt là trong ngày lễ Các Thánh. Theo đó, nguồn mạch mọi thánh thiện là chính Thiên Chúa. chúng ta sống mầu nhiệm Hiệp Thông Các Thánh qua Chúa Kitô 

 Đức Giáo Hoàng đã nhấn mạnh: Khi chúng ta cầu nguyện trong kinh Nhập Lễ, chiều kích căn bản của ngày lễ chúng ta mừng kính hôm nay là niềm vui:
 ‘Chúng ta hãy vui mừng trong Chúa và mừng lễ để tôn vinh các thánh.’ 

Hôm nay, Mẹ Giáo Hội mời gọi chúng ta đặc biệt nhớ đến những vị đã trải qua các gian truân và cám dỗ tương tự như chúng ta trên đường dương thế, nhưng hiện nay đang hưởng phúc trên trời.

 Có một đoàn rất đông, không ai có thể đếm nổi, từ mọi quốc gia, mọi chi họ, và mọi ngôn ngữ. Họ được đóng dấu trên trán như những tôi trung của Thiên Chúa.

 Dấu ấn các ngài lãnh nhận và áo trắng các ngài rửa trong máu Con Chiên là biểu hiện của phép Rửa Tội. Bí tích khai tâm này làm cho chúng ta được tháp nhập vào Chúa Kitô, cuộc sống ân sủng này sau đó còn được đổi mới và thăng tiến nhờ các bí tích khác, nhất là bí tích Hòa Giải và Thánh Thể.

Hôm nay, chúng ta vui mừng và nài xin các thánh nam nữ, những người đã đến thiên đàng sau khi vượt qua cuộc đời này phù trợ cho chúng ta trong đời sống Đức Tin.Amen

                           
Mátthêu - Chương 5,1-12                             
1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.2 Người mở miệng dạy họ rằng:

3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.

4 Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

5 Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

7 Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.

11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.

12 Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.

                        Đó là lời Chúa






Thứ Bảy, 25 tháng 10, 2014

GIÁO XỨ MARTINO HẠT GIA ĐỊNH BẾ MẠC THÁNG HOA MÂN CÔI

Trong tâm tình tạ ơn Mẹ Mân Côi .Cộng đoàn dân Chúa Giáo xứ Thánh Martinô chúng con xin dâng lên Mẹ những bông hoa tươi thắm bế mạc tháng Hoa Mân Côi.Xin Mẹ luôn đồng hành cùng chúng con và ban nhiều ơn lành phần hồn và phần xác cho Cộng đoàn Giáo xứ 
Thánh lễ bế mạc vào lúc 18hoo ngày 25/10/2014. CN.30 TN