Có một nhà thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu hỏi Đức Giêsu .Thưa Thầy,trong sách luật Mô-sê điều răn nào cao trọng nhất ?
Ðức Giêsu đồng ý với nhà thông luật đó trong việc dạy về lề luật. Theo Ngài thì có hai giới luật cao trọng nhất. Hai giới luật đó là nền tảng cho tất cả các luật lệ khác. "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môi-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào điều răn ấy" (Mt 22,37-40).
Ðối với Thiên Chúa thì tình yêu của chúng ta là tình con đối với cha. Yêu với hết cả tâm hồn, tin tưởng, phó thác, cậy trông, và vâng lời thảo hiếu. Và phải học biết bắt chước Cha của mình ." Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải cố gắng trở nên giống Cha của mình. Chúng ta phải bắt chước thái độ của Cha chúng ta đối xử vớ i người khác, và với con cái của Ngài như lời Ðức Giêsu đã dạy: "Các ngươi nên như những người con của Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời; vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như những kẻ bất chính" (Mt 5,45). Tóm lại, yêu Thiên Chúa là sống xứng đáng với địa vị là con cái của thiên Chúa có nghĩa là chúng ta phải đối xử với những người khác như Thiên Chúa đối xử với chúng ta.
Lòng nhân lành của Thiên Chúa thì không có sự phân biệt, và vượt lên trên sự công bằng. Cho nên tiếng người thân cận hay đồng loại phải được tái định nghĩa. Trong dụ ngôn người Samaritanô cho chúng ta khái niệm về việc nhận biết ai là người thân cận, ai là người tha nhân đồng loại. Yêu người thân cận, hay yêu tha nhân đồng loại là làm cho họ những gì cần thiết phải làm trong lúc nguy ngập, bất kể họ là ai, người quen biết hay kẻ xa lạ, bạn hữu hay kẻ thù nghịch. Ðức Giêsu nói rất rõ, "Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,46-48).
"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây, "hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh em má bên này, thì hãy đưa cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản họ lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ" (Lc 6,27-36).
Nếu hiểu cách nghiêm chỉnh đây là lề luật áp dụng cho đời sống hằng ngày thì quả thật nhân loại và tất cả Kitô hữu chúng ta còn sống rất xa lề luật của Thiên Chúa. Không biết cho đến bao giờ chúng ta mới sống được như vậy. Tuy nhiên đây là hướng dẫn cho cuộc sống mà Thiên Chúa muốn chúng ta thận trọng để ý nhắm tới. Ðây cũng là những nguyên tắc và thí dụ cụ thể cho phẩm cách của con cái Thiên Chúa trong mối tương giao với người khác. Ðức Giêsu thừa biết là Ngài đòi hỏi cách ngoại thường khi Ngài thay thế luật yêu thương người thân cận bằng việc yêu thương cả kẻ thù nghịch. Ngài cũng đã kêu gọi đến trách nhiệm phải tha thứ khi Phêrô hỏi, "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Ðức Giêsu đáp, "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18,21-22).
Phêrô ý thức rằng tha thứ là một việc làm thuộc nhân đức, nhưng ông muốn được biết rõ ông phải tha thứ cho người ta tối đa là bao nhiêu lần. Theo ý nơi câu trả lời của Ðức Giêsu thì có nghĩa là việc tha thứ sẽ không có giới hạn. Ðức Giêsu nhấn mạnh như thế là vì Ngài muốn tỏ ra rằng thời điểm dấn thân trọn vẹn đã đến. Việc dấn thân của con cái Thiên Chúa sẽ không có giới hạn, và cho dù có hoàn tất những huấn lệnh của Ngài, việc đó cũng chẳng kể là chi:
"Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói, "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10). Việc con người có thể làm chu toàn bổn phận phải làm trước mặt Thiên Chúa, và rồi hãy phó thác cho lòng nhân lành của Ngài. Tha thứ bảy mươi lần bảy là việc làm của Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời Ðức Giêsu cũng nói, "Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em" (Mt 6,14-15). Ðây không phải là một sự đe dọa trả thù của Thiên Chúa. Nhưng nó có nghĩa là người không tha thứ là người không được đứng vào hàng ngũ của con cái Thiên Chúa Cha trên trời. Họ đã làm đứt giây liên lạc bởi chính hành động không tha thứ, không đối xử với tha nhân theo nguyên tắc của con cái Thiên Chúa. Và do đó họ tự loại mình ra khỏi gia đình của Thiên Chúa.
Ý Hướng Ngay Lành
Một cách rất hiển nhiên về đạo lý của Ðức Giêsu là Ngài chú trọng vào giá trị của con người và trách nhiệm của con người đối với Thiên Chúa. Tất cả mọi lề luật và mọi sự đều nhắm chủ đích hoàn hảo hóa đời sống con người trong tình liên hệ Thiên Chúa. "Lề luật cho con người chứ không phải con người vì lề luật." "Ngày Sabath cho con người chứ không phải con người vì ngày Sabath." "Trong ngày Sabath nên làm lành hay làm ác?" (Lc 6,9; Mt 12,9-14; Mc 3,1-6).
Ðức Giêsu cũng dạy phải thành tâm khi cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. "Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình" (Mt 12,35). "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả, thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo, và Cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh em. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đao đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em" (Mt 6,1-6).
Xin Chúa chúc lành các Bạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét