HỌC KINH THÁNH ĐỂ BIẾT CHÚA KITÔ
1. Kinh Thánh:
- Kinh Thánh là Lời Chúa được ghi chép lại dưới sự linh ứng (inspiration) của Chúa Thánh Thần (MK 9).
Kinh Thánh dạy con người những sự thật không sai lầm để con người được cứu độ.
Thiên Chúa đã dùng một số người viết ra Kinh Thánh, và họ chỉ viết những điều Chúa muốn, vì thế tác giả thực của Kinh Thánh chính là Thiên Chúa.
Toàn bộ Kinh Thánh chia hai phần: Cựu Ước (Old Testament) và Tân Ước (New Testament).
Cựu Ước:
- Cựu Ước là Giao Ước giữa Thiên Chúa Giavê và dân Do thái (Hebrew) trên núi Sinai, qua trung gian là ông Maisen, ông lấy máu loài vật để ký giao ước.
- Cựu Ước gồm những sách viết trước Chúa Kitô giáng sinh.
-"Các sách Cựu Ước trình bày cho mọi người biết Thiên Chúa là ai, và con người là ai, đồng thời trình bày Thiên Chúa công bình và nhân từ đối xử với loài người như thế nào" (MK 15)
- Cựu Ước gồm 46 cuốn chia ba loại: Lịch sử 21 cuốn, giáo huấn 7 cuốn, và tiên tri 18 cuốn.
Tân Ước
- Tân Ước là Giao Ước giữa Thiên Chúa và nhân loại qua Trung gian là Chúa Kitô, Đấng đổ máu ra trên thập giá để ký gi ao ước.
- Tân Ước gồm những sách được viết (thế kỉ I) sau Chúa Kitô giáng sinh.
- "Tân Ước diễn tả cách tuyệt diệu Lời Chúa và quyền năng của Chúa. Trong Tân Ước, các sách Phúc âm chiếm địa vị đặc biệt, vì Phúc âm là nguồn chính nói về đời sống và giáo lý của Chúa Kitô" (MK 18).
- Tân Ước gồm 27 cuốn cũng chia ba loại như Cựu Ước: Lịch sử (5 cuốn), giáo huấn (21 cuốn), tiên tri (1 cuốn).
* Loại Lịch sử gồm:
4 Phúc âm: Matthêu, Marcô, Luca, Gioan và Công vụ
* Loại Giáo huấn gồm:
14 thư Phaolô và 7 thư của các tông đồ khác.
* Loại Tiên tri:
Chỉ có sách Khải huyền (The Revelation) của Gioan Tông đồ.
3. Tính cách duy nhất của Kinh Thánh:
- Tuy do nhiều tác giả khác nhau biên soạn, và đề tài mỗi cuốn sách khác nhau, nhưng toàn bộ Kinh Thánh có một tính cách duy nhất lạ lùng, không những về nguồn gốc Kinh Thánh là Thiên Chúa, mà còn về giáo lý chứa đựng trong đó. Kinh Thánh là lịch sử ơn cứu độ của chúng ta đã được hứa hẹn trong Cựu Ước và được thể hiện trong Tân Ước. Những trang đầu của Kinh Thánh tiên báo một Đấng Cứu thế sẽ giải phóng nhân loại (St 3,15), những trang chót trình bày Người nơi thành Giêrusalem thiên quốc, cùng với những kẻ sẽ được cứu chuộc nhờ cuộc tử nạn của Người (Kh 5,9; 21,3)
4. Trung tâm và Tột đỉnh của Kinh Thánh:
- Kinh Thánh là lịch sử chính Đức Kitô, vì Người là trung tâm và tột đỉnh của Kinh Thánh.
Trong Cựu Ước, Người đã được các tiên tri báo trước, trong Tân Ước, Người được các tông đồ minh chứng. Người đã nối liền Cựu và Tân Ước.
5. Các Đức Giáo hoàng đề cao việc học hỏi Kinh Thánh:
- Các Đức Giáo hoàng như Lêo 13, Piô 10, Bênêdictô 15, Piô 11, Piô 12, Gioan 23 luôn đề cao sự cần thiết và lợi ích của việc học Kinh Thánh, vì Kinh Thánh là Lời Chúa.
6. Công đồng Vaticanô 2 khuyến khích tín hữu học hỏi Kinh Thánh:
- Công đồng tha thiết khuyên nhủ các tín hữu rằng: " Việc cầu nguyện phải đi đôi với việc đọc Kinh Thánh để có một cuộc sống trao đổi giữa Chúa và người ta", vì khi ta cầu nguyện là ta thưa truyện với Chúa, và khi ta đọc lời Chúa là ta nghe Chúa phán với ta" (Thánh Ambrôsiô).
Công đồng Vaticanô 2 viết: "Giáo hội muốn các tín hữu đọc và học hỏi Kinh Thánh, nhất là các sách Tân Ước, để đời sống thiêng liêng được đổi mới"(Mk 26).
7. Muốn học hỏi Kinh Thánh, tín hữu cần có những tâm tình nào?
- Nhưng muốn đọc và suy niệm Kinh Thánh cách hữu ích, cần phải có những tâm tình trọng kính và ham mộ xứng hợp:
Trước hết, phải có lòng tôn kính sâu xa đối với Sách Thánh chứa đựng Lời Chúa, vì chính " Giáo hội luôn luôn tôn kính Kinh Thánh như chính Thân Mình Chúa" (Mk 10)
Đàng khác, vì Sách Thánh chứa đựng những chân lý vượt trên trí năng nhân loại, nên trong việc chú giải, tìm hiểu Sách Thánh, không được theo ý riêng của mình, nhưng phải khiêm nhường theo những lời giáo huấn của Giáo hội, vì theo sự quan phòng của Thiên Chúa, Giáo hội có trách nhiệm gìn giữ và giải thích Lời Chúa.
Bài đọc thêm
CẦU NGUYỆN BẰNG KINH THÁNH
Kinh Thánh, là sách của chúng ta. Đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, dự thánh lễ là những hành vi tôn giáo rất quan trọng đối với chúng ta. Chớ gì mỗi ngày ít ra chúng ta dành cho Chúa (5) năm phút để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện. Vừa nghe Chúa nói, vừa nói với Chúa.
Kinh Thánh có nguyên nghĩa là "Cuốn Sách", nhưng Kinh Thánh không phải là một cuốn sách mà là nhiều sách khác nhau của nhiều người viết khác nhau, trong nhiều thời gian và nhiều lối văn khác nhau: Lịch sử, thơ phú, bi ai, triết lý, luật pháp...
Tuy nhiên tất cả các khác biệt được qui định thành đồng nhất. Từ căn bản, Kinh Thánh là cuốn truyện về những biến cố có thực đã xảy ra trong lịch sử. Đó là câu truyện Tình yêu, vì "Thiên Chúa là Tình yêu". Đây là chủ đích của Chúa trong mọi việc Chúa làm.
Câu chuyện Tình yêu được các nhà thần học gói ghém trong 3 màn: Tạo dựng, Sa ngã, và Cứu chuộc. Nói cách khác là ba giai đoạn: Thiên đàng, mất Thiên đàng rồi Tái chiếm Thiên đàng. Tái chiếm Thiên đàng là hoàn cảnh nói ở đây. Giai đoạn thứ ba bắt đầu thật sớm kể từ chương ba của sách Sáng thế, khi Chúa bắt đầu việc cứu chuộc, hay mua chuộc lại loài người sa ngã.
Màn ba này lại chia ra ba cảnh:
Cảnh 1: Thiên Chúa tỏ mình ra như người cha trong Cựu Ước
Cảnh 2: Chúa Giêsu tỏ mình ra như người con trong Tân Ước
Cảnh 3: Chúa Thánh Thần tỏ mình trong Tông đồ Công vụ và các thời kế tiếp, thời kỳ của Giáo hội Chúa Kitô trên dương thế. Đây là phần của câu chuyện có chúng ta ở trong đó.
- Mỗi ngày các anh chị dành ra 5 phút kính cẩn đọc một đoạn Tân Ước:xem Chúa muốn nói với ta điều gì ?
- Tự hỏi mình 3 câu hỏi sau:
1. Đoạn Kinh Thánh nói về vấn đề gì (What)?
2. Chúa Giêsu muốn tôi làm gì (Jesus wants)?
3. Tôi sẽ làm gì (I will)?
Nguyện xin Thiên Chúa ban bình an và ngự trị trong tâm hồn các anh chị .Tạ ơn Chúa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét