LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

KHÔNG CÒN LÀ NÔ LỆ - NHƯNG LÀ ANH CHỊ EM


 “Không còn là nô lệ, nhưng là anh chị em”, đó là chủ đề được Đức Thánh Cha Phanxicô chọn cho Ngày Hoà bình thế giới lần thứ 48, sẽ được cử hành vào ngày 01-01-2015.

-Ngày nay, khi hoà bình thế giới lại bị đe dọa trầm trọng và loài người đứng trước những vấn đề to lớn hệ trọng như nạn khủng bố, chạy đua vũ trang, ô nhiễm môi trường sinh sống, và bất công trong các quan hệ quốc tế và đặc biệt trong các trao đổi thương mại giữa các nước giàu và các nước nghèo v.v... thì rất nhiều người trong Giáo Hội Công Giáo và cả ngoài Giáo Hội lại hướng nhìn về Thánh Phanxicô Assisi

 Tại sao? Một vị thánh sống cách đây tám thế kỷ, thử hỏi Ngài có gì để nói với chúng ta hôm nay trước những vấn đề nóng bỏng như trên? Ngài có thể dạy ta điều gì, đặc biệt trong sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình?

Năm 1982, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 800 của vị Thánh thành Assisi, ông Kurt Waldheim lúc bấy giờ là Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc đã gửi cho Dòng Phanxicô một bức thông điệp ngắn nguyên văn như sau:


“Cuộc kỷ niệm 800 năm ngày sinh của Thánh Phanxicô phải là một nguồn cảm hứng cho tất cả chúng ta. Qua việc làm cũng như lời dạy của Ngài, thánh Phanxicô đã trở nên biểu tượng cho Hoà bình, cho việc bảo vệ môi sinh và cho tình thương đối với người nghèo. Chúng tôi thấy sứ điệp cuả Ngài được vang vọng trong một số lý tưởng cao đẹp nhất của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

“Ngài đã chủ trương Hoà bình giữa các dân tộc và yêu cầu các môn sinh của ngài đừng mang vũ khí .Ngày nay Liên Hiệp Quốc hoạt động cho hoà bình và cho việc giải trừ quân bị giữa các quốc gia. Ngài đã biểu lộ tình thương và lòng tôn trọng đối với thiên nhiên và mọi sinh vật . Liên Hiệp Quốc cũng nổ lực cho công cuộc duy trì và bảo vệ môi sinh ở mọi nơi. Ngài là vị thánh của người nghèo . Liên Hiệp Quốc tìm cách chấm dứt nỗi thống khổ và tình trạng bóc lột của hàng triệu con người đang hứng chịu, và Liên Hiệp quốc dứng ra bênh vực quyền lợi người nghèo, người bất túc và nạn nhân của bất công và kỳ thị.

“Thật là đúng lúc để nhắc lại rằng bản huấn thị phổ quát đầu tiên của nhân loại là Bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

Anh Chị Em Phan Sinh Tại Thế chúng ta “Còn nhiều việc phải làm để thực hiện giấc mơ của Thánh Phanxicô về một thế giới hoà bình, công bằng và hoà hợp…”

    Phanxicô, con người của hoà bình và hoà giải

Không những Phanxicô mơ về một thế giới hoà bình và hoà hợp mà hơn nữa Ngài đã dấn thân cổ võ và hoạt động cho một thế giới như thế.

Năm 1226, vào những ngày cuối đời nằm trên giường bệnh, Phanxicô rất đau lòng khi nghe tin Đức Giám Mục và ông Thị trưởngAssisi kình địch nhau. Vị Giám mục thì ra vạ tuyệt thông cho ông thị trưởng, còn ông này thì cấm không ai được mua bán hoặc ký kết khế ước với Đức Cha. Phanxicô nói với anh em:

“Thật là xấu hổ cho chúng ta những người làm tôi Chúa, vị Đức giám mục và ông Thị trưởng thù ghét nhau như thế mà chẳng ai đứng ra hoà giải” (Gương trọn lành, 101).

Người ta tự hỏi: thế bản thân Ngài làm được gì khi mà đôi mắt đã gần mù và thân xác kiệt quệ phải nằm một chỗ? Phanxicô đã làm một việc bất ngờ đó là thêm vào bài ca Vạn vật mà Ngài đã sáng tác trước đó ít lâu, một phiên khúc ca ngợi Hoà bình và Tha thứ, rồi gửi anh em đi mời ông Thị trưởng tới Toà Giám mục. Khi ông tới nơi và hai người gặp nhau, các môn đệ thánh Phanxicô nhân danh Ngài, cất tiếng hát bài ca Vạn vật cúng với phiên khúc mới. Và điều ít ai ngờ đã xảy tới: khi tiếng hát vừa dứt, ông Thị trưởng và Đức Giám mục nắm tay nhau nói lời hoà giải và ôm hôn nhau thắm thiết.

Hoà bình là một trong những giá trị cơ bản mà thánh Phanxicô ấp ủ và thực hiện suốt cả cuộc đời. Là một người sống Tin Mừng triệt để, Ngài không thể làm ngơ trước một xã hội xâu xé, đầy bất công và hận thù, bạo lực và chiến tranh. Mỗi lần bắt đầu giảng, Ngài đều nhắc tới Hoà bình với lời chào: “Xin Chúa ban bình an cho anh chị em” (1 Cel 23). Ngài quan niệm nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng như một sứ mạng hoà bình và giao cho các môn đệ sứ mạng đó. Ngài nói với họ:


“Anh em rao giảng hoà bình bằng lời nói, thì cũng phải an hoà trong lòng mình. Đừng làm dịp cho người khác tức giận và vấp ngã, nhưng chớ gì mọi người thấy thái độ hiền hoà của anh em cũng sẽ biết sống hoà bình, nhân hậu và thuận hoà, bởi vì ơn gọi của chúng ta là săn sóc người bị thương, băng bó kẻ bị dập gãy và kêu gọi kẻ lầm lạc trở về”. (Ba người bạn 58).

Rất tiêu biểu cho thái độ của Thánh Phanxicô là chuyến đi Palestin cùng với đoàn quân Thập Tự năm 1218. Vì tinh thần tôn trọng con người và các nền văn hoá, Phanxicô cảm thấy ngỡ ngàng phần nào trước chỉ thị của Đức Giáo Hoàng Innocentio III loan báo cuộc Thập Tự chinh lần thứ 5 chống lại người Hồi Giáo nhằm chiếm lại Thánh Địa. Bởi thế, tuy Ngài cùng đi nhưng không phải như một chiến binh, mà trong tư cách một sứ giả Hoà Bình. Không vũ khí tự vệ, Ngài đến trước đạo quân Hồi giáo và xin phép được gặp vua Hồi. Sử sách kể rằng thái độ bao dung và kính trọng của Thánh Phanxicô cũng như tinh thần yêu chuộng hoà bình của ngài đã để lại ấn tượng tốt đẹp sâu sắc và hơn nữa đã gây được lòng thiện cảm của nhà Vua. Tuy Phanxicô đã không thành công hơn, nhưng cử chỉ của Ngài đã mở đường cho một cach thức quan hệ mới với người Hồi giáo, dựa trên sự hiểu biết, thông cảm và đối thoại thay cho sức mạnh, dù là sức mạnh của vũ khí, của quyền hành, hay của con người tự biết là có chân lý và có văn hoá để ban phát cho kẻ khác.
 Bộ Luật Dòng của Thánh Phanxicô là bộ luật dòng đầu tiên dành nguyên cả một chương để nói về những tu sĩ đi dến giữa người Hồi giáo. Thánh Phanxicô viết rõ là ”đến giữa” chứ không phải “đi tới”. Điều đó có nghĩa là người Hồi giáo tiên vàn không phải là một mục tiêu để chinh phục cho kỳ được, mà là người để các anh em cùng sống với. Bởi thế, thánh nhân vạch ra cho anh em thừa sai hai cách truyền giáo: một là sống hiền lành, hiếu hoà không tranh luận hoặc kiện tụng, sống khiêm nhường tùng phục mọi người vì Chúa, và nhận mình là người Công giáo. Hai là nếu thấy đó là thánh ý Chúa thì mới rao giảng Lời Chúa (Bản Luật II, ch.16). Qua kiểu nói của thánh Phanxicô, ta thấy rõ là cách thứ nhất là cách phổ biến và ưu tiên, cách thứ hai (tức là rao giảng) là cách đặc biệt, cần được Chúa tỏ cho biết mới dùng tới.

Bất kỳ ở đâu người môn đệ Phanxicô phải ăn ở như những người “anh em” và những người “hèn mọn” đúng như tên gọi của họ là Anh Em Hèn Mọn. Ngài viết trong luật dòng: “Tôi khuyên anh em khi đi ra giữa đời, đừng gây sự và cãi vã với ai, cũng đừng xét đoán ai, những hãy hiền lành, hiếu hoà và từ tốn, nhân hậu và khiêm nhường, ăn nói tử tế với hết mọi người sao cho xứng hợp” (Luật I, ch.3).
Trong bản Luật Dòng Ba ( Dòng Phan Sinh Tại Thế ngày nay ) tức là luật cho những người ở bậc giáo dân, sống trong gia đình nhưng theo tinh thần thánh Phanxicô, có một qui đinh rất đặc biệt là cấm tất cả các thành viên dòng ba mang vũ khí và tuyên thệ. Trong chế độ phong kiến thời ấy, người dân phải tuyên thệ trung thành với các lãnh chúa. Hậu quả là các lãnh chúa phải bảo vệ con dân của mình, song nghĩa vụ của người dân còn nặng nề gấp bội: họ phải thần phục lãnh chúa, phải nộp sưu nộp thuế, và phải mang vũ khí đánh giặc cho lãnh chúa. Mà thời đó, chiến tranh giữa các lãnh chúa là việc quá thông thường. Một qui định như qui định của luật Dòng Ba Phanxicô, có nghĩa thực tế như một sự từ chối trật tự phong kiến và phản đối chiến tranh. Và dĩ nhiên là các thành viên Dòng Ba bị các lãnh chúa bắt bớ nhưng bằng nhiều sắc chỉ liên tục, các Đức Giáo Hoàng Hônôriô III và Grêgôriô IX đã bảo vệ họ thành công.
Quả thực thánh Phanxiô đã góp phần to lớn vào việc hoà giải trong môi trường Kitô giáo và làm dịu bớt mối quan hệ thù nghịch giữa Kitô giáo và Hồi Giáo trong thời đại Ngài, bằng những hành động cụ thể và nhất là bằng cách gợi ra một mô hình xã hội mới, dựa trên một cái nhìn mới mẻ về con người, về xã hội và về thiên nhiên tạo vật.
Hoạt động ráo riết của thánh Phanxiô cho Hoà Bình phát xuất từ một ý thức hết sức mãnh liệt về toàn thể loài người và đến cả vạn vật như một gia đình, và về thế giới này như một mái nhà chung. Người ta phải sống với nhau như anh em. Hơn nữa con người cũng phải yêu mến và kính trọng thiên nhiên tạo vật như phát sinh cùng một nguồn gốc với mình. 
Lạy Chúa, xin làm cho anh chị em Phan Sinh Tại Thế chúng con nên khí cụ hòa bình của Chúa .Amen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét