DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
176. Phong trào Phan sinh là một chọn lựa Phúc âm được mở rộng cho mọi người thuộc mọi tầng lớp. Mọi nghề nghiệp. Thánh Phanxicô được coi như là nhà sáng lập Dòng Nhất của anh em, Dòng Nhì của các nữ tu chiêm niệm, và Dòng Ba gồm các nam nữ tu sĩ (Dòng b tại viện) cũng như những người sống giữa trần gian (Dòng Phan sinh tại thế).
177. Lịch sử về những buổi đầu của phong trào Phan sinh cho thấy ba Dòng này được ra đời cùng với nhau, và chúng là dấu chứng tỏ một sự nhận biết duy nhất của Thánh Phanxicô về các dấu chỉ thời đại. Chúng tôi sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về Lịch sử Dòng Phan sinh tại thế và trình bày đặc sủng của Dòng này cho thế giới hôn nay.
Dòng anh chị em đền tội
179. Phong trào đền tội trở thành phổ biến sau cuộc canh tân của Đức Giáo Hoàng Grêgôgiô vào cuối thế kỷ 11. Đó là một phong trào tự phát, và lan rộng trong giới giáo dân. Những nét đặc trưng của phong trào này là một đời sống tông đồ, được diển tả qua sự nghèo khó, giảng đơn sơ cho đại chúng, những thực hành đền tội và lòng thương xót đối với những người ngoài lề xã hội và những người phung cùi, v.v...
180. Bản chất tự phát của phong trào đền tội là một khí cụ cho sự phát triển của nó, nhưng cũng là một cơ hội cho các khuynh hướng lạc đạo. Cơ cấu chính thức của Giáo Hội, Tòa Thánh, các Đức Giám Mục, các tu viện, thường ít quan tâm đến sự chổi dậy mạnh mẽ của đời sống Phúc âm phát suất từ hàng ngũ giáo dân. Sự thiếu hướng dẫn này là một trong những nguyên do dẫn đến sự bành trướng của lạc giáo. Đó là trường hợp nhóm Catharê ở Pháp và ở Ý chẳng hạn.
181. Nhu cầu cần có một cuộc canh tân chân thật trong Giáo Hội là do Chúa quan phòng để thúc đẩy Đức Giáo Hoàng trực tiếp can thiếp hầu cứu vãn tính chính thống của các phong trào đền tội giáo dân. Kể từ đầu Thế kỷ 12, các Đức Giáo Hoàng đã che chở cho các nhóm và các hội khác nhau sống đời đền tội. Năm 1195, khi Phanxicô Assisi còn là một chàng trai trẻ, đã có một nhóm những người đền tội thành lập ở miền Bắc Ý mang danh là những người khiêm hạ. Đức Giáo Hoàng Innôxentê III phê chuẩn lối sống hoặc "Propositum : Qui luật" của họ năm 1201. Năm 1208, Ngài phê chuẩn "Propositum" của những người công giáo nghèo Lombarđi. Chúng ta hãy ghi nhận rằng đây cũng là năm trong đó Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng "Propositum Vitae : Qui luật sống" của Anh em Hèn mọn.
Phanxicô Assisi là một người đền tội
182. Trong tờ di chúc của mình, Thánh Phanxicô nói rằng Chúa gọi Ngài để bắt đầu một đời đền tội. Ngay từ những buổi đầu Thánh Phanxicô đã tự coi mình là một người đền tội trên con đường hoán cải. Ngài đã trở thành một hiến sĩ (Oblate) trong nhà thờ Thánh Đamianô (1cél 9). Sau khi đã từ bỏ quyền thừa kế trước mặt Đức Giám Mục Guiđô và thân phụ là ông Bernađônê, Phanxicô đã mặc bộ áo của một người ẩn sĩ nghèo (Truyện ba người bạn 25,27). Danh xưng đầu tiên mà anh em mang, đó là "ViriPoenitentiales de civitate Assisi oriundi: những người đền tội thành Assisi" (Truyện Ba người bạn 37).
183. Thần hứng nguyên thủy để sống theo Phúc âm gắn liền mật thiết với lối sống đền tội, như những đoạn văn từ các nguồn Phan sinh sau đây chứng tỏ cách hùng hồn :
184. "Vì thế, Phanxicô, người chiến sĩ can trường của Đức Kitô, đi đến các thành và các làng loan báo Nước Chúa, rao giảng về hòa bình dạy dỗ về sự cứu độ và sự thống hối để được tha tội ... Đàn ông chạy tới, đang bà chạy tới, các giáo sĩ vội vã, các tu sĩ mau mắn sao cho mình có thể nhìn thấy và nghe người diễm phúc của Thiên Chúa mà tất cả mọi người đều thấy như thể một người thuộc một thế giới khác ("homo álterius saeculi: người của thế hệ khác") ... Nhiều người, cả quí tộc lẫn thường dân, giáo sĩ và giáo dân, được ơn Chúa soi sáng thúc đẩy, bắt đầu đến với Thánh Phanxicô, muốn được trường kỳ chiến đấu dưới luật lệ và dưới sự chỉ huy của ngài. Đối với tất cả những người ấy, người diễm phúc này của Thiên Chúa giống như một con sông dồi dào phúc lộc thiên đường, tuôn đổ những dòng thác tặng phẩm, người làm phong phú những cánh đồng trái tim họ bằng những bông hoa nhân đức, vì người là một tay thợ vô cùng thiện nghệ; và hợp với kế hoạch của Người, với luật lệ, lời giảng dạy, người tuyên bố trước mọi người, Giáo Hội cần phải được canh tân từ cả hai phía, và đạo quân ba cánh của những người đang phục vụ này đang chiến thắng. Người ban cho tất cả mọi người một thể thức sống, và người cho thấy con đường chân thật dẫn đến ơn cứu độ cho mọi giai cấp xã hội." (1Cél 36-37)
185. Phanxicô đã trở thành một tấm gương cho tất cả những ai muốn theo Đức Kitô cách hoàn hảo. Chúng tôi hoàn toàn có lý để được thuyết phục về điều đó. Trước hết, đây là sứ mạng ngài nhận được, là "kêu gọi mọi người khóc lóc và than van, cạo đầu và mặc áo nhặm" (Is 22,12) "và niêm ấn chữ thập trên trán các kẻ hằng rên rỉ kêu lên " (Edêkiel 9,4), ghi dấu lên họ bằng thấp giá của sự đền tội và mặc cho họ chiếc áo của chính mình là chiếc áo được định hình giống như một cây thập giá" (Đại truyện, mở đầu).
187. Các nguồn Phan sinh cho thấy hoàn toàn rõ ràng về những buổi đầu của Dòng Anh em Hèn mọn và Dòng các chị em nghèo khó ở Thánh Đamianô. Những buổi đầu của Dòng những người đền tội do Thánh Phanxicô Assisi thiết lập không được rõ ràng như thế.
188. Dựa theo 2 Célano, 38, một bà quê Cortôna đến ẩn viện Cella, và xin Thánh Phanxicô giúp bà sống đời sống đền tội trong bậc hôn nhân của bà. Truyện Ký Pêrousia, 34, nhắc đến tinh thần đền tội và hoán cải của dân cư ở Grécxiô. Nhưng chính trong truyện Ba người bạn, 60, mà chúng ta tìm thấy một quy chiếu minh nhiên về Dòng những người đền tội: "không phải chỉ các ông mà cả các bà và những cô trinh nữ chưa chồng đều được nung nấu bởi lời anh em giảng, và, theo lời khuyên của anh em họ gia nhập vào các Tu viện được chỉ định để đền tội; và một trong các anh em được bổ nhiệm làm người thăm viếng và hướng dẫn họ. Những ông bà đã kết hôn, bị ràng buộc bởi lời cam kết hôn nhân, được anh em khuyên bảo hãy tự mình dấn thân sống đời đền tội ngay trong nhà của họ". Juliên Spire ghi trong cuốn sách của anh về đời sống Thánh Phanxicô, 14: "Dòng Ba được biết đến như là Dòng những người đền tội. Dòng này không phải được đánh dấu bởi một sự hoàn thiện thấp hơn so với hai Dòng kia. Nó mở rộng cho tất cả các giáo sĩ và giáo dân, các trinh nữ, "những người tiết dục", những đôi vợ chồng, và những người đàn ông lẫn đàn bà có thể đến với dòng vì phần rỗi của mình".
189. Trong sách đại truyện IV, 6 Thánh Bônaventura viết: "bị lôi cuốn bởi sức mạnh lời người rao giảng, một số đông dân chúng đón nhận luật đền tội mới hợp với thể thức Thánh Phanxicô thiết lập mà Ngài gọi là Dòng anh em đền tội".
190. Truyện ký Pêrousia, 41, của một tác giả vô danh, nói rằng Dòng những người đền tội đã được Đức Giáo Hoàng phê chuẩn. Đây là một ghi nhận chắc chắn không thể qui về những năm đầu tiên của Lịch sử Dòng Ba.
191. Dựa theo cuốn những bông hoa nhỏ, chương 16, chính trong thung lũng Ombria, gần Canara, mà Thánh Phanxicô đã ban một lối sống cho những người giáo dân nào muốn sống Phúc âm cách triệt để hơn. Nhưng không thể lấy nguồn muộn màng này để qui chiếu về việc thiết lập Dòng Ba được.
192. Truyền thống dân gian cho biết một thương gia giàu có ở Poggibonsi, tên là Lukêsiô, cùng với bà vợ tên là Bônađôna, là những người Dòng Ba Phan sinh đầu tiên. Ông Lukêsiô qua đời ngày 28-4-1260, và đúng là được tôn kính như một "Chân phước", sự tôn kính ông đã được Đức Giáo Hoàng Piô VI phê chuẩn. Truyền thống này thiếu nền tảng lịch sử. Chúng tôi chỉ có thể nói rằng Dòng những người đền tội bắt đầu được biết đến như thế vào năm 1221 với bản "Memoria Propositi : qui luật".
193. Thể thức sống Thánh Phanxicô ban cho những người đền tội bây giờ đã được mọi người thống nhất nhìn nhận là đã được lồng vào trong thư gởi các Tín Hữu, bản dịch thứ nhất.
Lời khích lệ gởi anh chị em Đền tội
194. Anh Eseer gợi lên rằng những buổi đầu của Dòng những người Đền tội hoàn toàn giống như những buổi đầu của Dòng Anh em Hèn mọn. Bản luật 1221 trong trường hợp Dòng Nhất, là kết quả của một tiến trình soạn thảo những chương khác nhau trả lời cho những vấn đề Dòng đã phải đương đầu trong giai đoạn 1210-1221, đó là giai đoạn nằm giữa "Qui luật sống" nguyên thủy được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III phê chuẩn bằng miệng và bản thảo "luật không sắc dụ". Trong trường hợp Dòng những người đền tội, lá thư gởi các Tín hữu, bản dịch thứ nhất, là cái nhân đầu tiên của thể thức sống của những người đền tội. Cùng một lá thư có một bản dịch thứ hai, bàn đến cũng những chủ đề ấy theo một lối chi tiết hơn.
195. Chữ chìa khóa của lá thư gởi các Tín hữu là chữ "Đền tội". Không quan trọng để biết có phải hay không phải Dòng những người Đền tội đã được Thánh Phanxicô thiết lập chính thức một ngày nào đó trước 1221. Bản văn chắc chắn đã có trước ngày đó, và nó là bằng chứng cho thấy Thánh Phanxicô đã ban một thể thức sống cho những người giáo dân muốn sống theo tiếng gọi triệt để của Phúc âm phù hợp với những nhu cầu của họ. Văn thể của lá thư là thể văn khích lệ. Nội dung bàn đến những điểm chính yếu nền tảng nhất của đời đền tội, đó là: giới răn yêu thương dối với Chúa và tha nhân, từ bỏ tội lỗi, tham dự Thánh thể và bí tích giải tội, thực hành các việc từ thiện chứng tỏ đời sống đền tội. Tất cả được thấy như những điều phải thực hiện để chống lại những gì trái nghịch với nền linh đạo hướng về tư cách làm môn đệ của Chúa Kitô trong tương quan ba chiều, vợ chồng, anh chị em, mẹ con (chúng ta là hiền thê, anh chị em, mẹ của Đức Kitô). Phía sau của hình ảnh trên, đó là hình ảnh của người không chịu sống đời đền tội. Thánh Phanxicô mô tả cái chết của người ấy theo một lối thô bạo nhưng chân thực. Thể văn chỉ đơn thuần là một ít lời khuyến khích gởi đến anh chị em muốn sống "hoán cải" theo Phúc âm bằng một con đường triệt để hơn. Chúng tạo thành cái trọng tâm của lối sống của Dòng những người Đền tội.
Bản "Memoria Propositi : Qui luật" (1221)
196. Thời điểm này (1221) được mọi người thống nhất nhìn nhận như là sự khởi đầu chính thức của Dòng Ba (x. Sử biên niên về XXIV Tổng Phục vụ, trong Analecta Franciscana III, 27 ; Batôlômêô Pise. Book of Conformities, trong Analecta Franciscana Iv, 360-361). Có một bản dịch tiếng Anh của "Memoria Propositi" trong "Omnibus of soures: Toàn bộ các nguồn" trang 165-175.
197. Bản "Memoria Propositi" do Đức Hồng Y Hugôlinô, Đức Hồng Y bảo trợ Dòng Anh em Hèn mọn, viết ra, và ban cho Dòng những người Đền tội. Nó đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III chấp thuận bằng miệng năm 1221, và đó là bản văn pháp qui đầu tiên của Dòng Ba Phanxicô. Bản luật được trình bày như một "Bản ghi nhớ những điều đề nghị với anh chị em Đền tội sống trong chính nhà của họ". Nó gồm 8 chương, đề cập đến (1) đời sống hằng ngày của những người Đền tội, liên quan đến cách ăn mặc, không tham gia các cuộc giải trí công cộng; (2) những luật lệ tiết độ (3) những luật lệ về chay tịnh; (4) cầu nguyện và Thần vụ; (5) thực hành các bí tích, cấm mang vũ khí và tránh thề nguyền; (6) thánh thể và họp huynh đệ đoàn mỗi tháng một lần; thăm viếng bệnh nhân, chôn cất kẻ chết và dâng lời cầu nguyện cho họ, buộc phải viết di chúc, những luật lệ về việc tiếp nhận các thành viên mới vào huynh đệ đoàn; (8) vị kinh lý và các luật lệ, việc bầu các chức vụ trong huynh đệ đoàn.
198. Bản "Memoria Propositi" được xây dựng dựa trên ý niệm về Huynh đệ đoàn. Những anh chị em Đền tội thật sự là những anh chị em với nhau, được ràng buộc với nhau bằng tình bác ái đối với nhau. Việc cấm mang khí giới là một chứng ta can đảm cho sự binh an của Phúc âm trong một xã hội đầy tranh chấp, và chắc chắn nó giáng một đòn nặng trên chế độ phong kiến và trên những cuộc chiến tranh vụn vặt giữa các thành thù địch nhau ở bán đảo Ý. Những hoạt động bác ái từ thiện, trong đó có việc chôn cất kẻ chết, và việc thăm viếng chăm sóc bệnh nhân và những người phung cùi, đó là những việc nhắm mục đích xóa bỏ nghèo đói và đau khổ. Tinh thần chia sẻ của cải và luật buộc làm di chúc là để khỏi gây ra những xung đột và thù oán giữa các gia đình đối nghịch và ngay cả giữa những cá nhân trong cùng một gia đình. Những người đền tội thường bị bách hại vì chứng tá về sự bình an của Phúc âm. Đức Giáo Hoàng đã phải can thiếp ngày 30-3-1228 bằng trọng sắc "Detestanda" trong đó Ngài bênh vực quyền của những người Đền tội không mang khí giới và được tự do không gia nhập quân đội. Trong trọng săc này, Dòng những người Đền tội lần đầu tiên được gọi là Dòng Ba.
Những khuôn mặt nổi bật trong thời buổi đầu của Dòng Ba
199. Dòng Ba Thánh Phanxicô ngày nay được gọi là Dòng Phanxicô tại thế (PSTT), là một trường dạy về sự thánh thiện ngay từ thởi buổi đầu. Thật là ngạc nhiên vì nhiều người nổi tiếng gia nhập phong trào này và đã nên thánh. Ở đây chúng tôi sẽ giới thiệu vắn tắt một số những vị thánh quan trọng nhất của Dòng Ba trong các thế kỷ 13 và 14.
200. Thánh bổn mạng Dòng PSTT là Thánh nữ Êlisabét nước Hungary. Bà sinh năm 1207, là công chúa, con vua nước Hungary. Từ rất trẻ bà đã được hứa hôn, và sau đó được kết hôn với Lu-y, con của lãnh chúa Turinô. Cuộc hôn nhân của họ rất hạnh phúc. Bà Elisabét được tự do giành thời giờ và sức lực cho những người nghèo và những người phung cùi, cũng như cho chồng và các con cái. Bà cho xây cất một ngôi bệnh viện lớn ở Eisenach. Năm 1227, vua Lu-y chồng bà tham gia thập tự quân, theo sự điều binh của Hoàng đế Frêđêricô II. Khi mới lên Ý ông đã qua đời. Bà Elisabét bắt đầu bước vào con đường đau khổ của Núi Sọ. Bà là một phụ nữ góa chồng, nhưng những người trong gia đình vua Lu-y đuổi bà và con cái ra khỏi hoàng cung. Bà Elisabét cuối cùng xuống trú ngụ ở Wartburg. Sau khi đã chăm lo việc giáo dục con cái, bà chấp nhận đời sống Đền tội. Bởi thế, Bà đi Maburg ở đó có một ngôi nhà thờ của Dòng Phan sinh. Tại thành phố này, Bà xin cha Conrad làm trợ úy thiêng liêng, cha đưa bà vào Dòng những người Đền tội. Bà dành cuộc đời còn lại để thực hành đền tội và dâng tất cả đời sống cho những người nghèo và các bệnh nhân. Bà Elisabét qua đời ngày 19-1-1231, khi mới được 24 tuổi. Đức Giáo Hoàng Grêôriô IX phong thánh cho bà năm 1235. Bà được đặt làm bổn mạng Dòng PSTT.
201. Anh chị em PSTT có một vị bổn mạng khác, lần này là một Thánh nam. Đó là Thánh Lu-y IX, vua nước Pháp. Ngài sinh tại Poissy năm 1215. Thân mẫu Ngài là Hoàng hậu Planche, bà cũng được coi là thành viên Dòng những người Đền tội. Khi Lu-y mới được 12 tuổi, ngài đã được đội vương miện để làm vua. Thân mẫu ngài tiếp tục cai trị cho đến khi ngài trưởng thành. Trong thời gian đó, ngài cũng được các Anh em Hèn mọn dạy dỗ và gia nhập Dòng những người Đền tội. Là một vị vua Thánh Lu-y rất nhiệt thành tham gia vào một cuộc thập tự quân giải phóng Đất-Thánh. Ngài đã lên đường trong một cuộc thập tự quân, nhưng chỉ mới chiếm được thành Đamietta thì sau đó người bị người Hồi Giáo bắt làm tù binh. Vua Lu-y cũng là một người cha thánh thiện. Ngài có 11 người con và chúng ta còn giữ được tờ di chúc thiêng liêng ngài viết cho người con trai cả, trong đó ngài tỏ ra là một Kitô hữu đạo đức. Vua Lu-y còn nổi tiếng vì lòng sùng kính đối với mũ gai. Ngài đã cho xây cất ở Paris một ngôi nhà thờ đặc biệt để đặt mũ gai này. Ngài đã đi tham gia một cuộc thập tự quân thứ hai năm 1270, nhưng trên đường ngài đã qua đời ngày 25-8, trong một cơn dịch. Đức Giáo Hoàng Bônifagiô VIII đã phong thánh cho ngài năm 1297.
202. Một người đền tội nổi tiếng khác của Dòng Ba là Thánh những Margarita Cortôna. Thánh nữ sinh năm 1247 tại Lavianô, gần Cortôna, nước Ý. Ngài sống thời tuổi trẻ đầy sóng gió, phải chịu những sự hà khắc của mẹ kế. Khi lên 16 tuổi, ngài trốn khỏi nhà để đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Trong 9 năm ngài sống trong tình yêu say đắm với một thanh niên tên là Arsêniô, người Montepulcianô. Ngài sống với anh ta mà không làm hôn phối. Một ngày kia Margarita tìm thấy người yêu của mình bị sát hại. Đây là khúc quanh trong cuộc đời của bà. Bà đến Cortôna và bắt đầu cuộc sống đền tội bên cạnh ngôi nhà thờ Dòng Phan sinh. Bà xin nhập Dòng những người Đền tội nhưng không được, vì người ta xét đoán bà qua quá khứ tội lỗi của bà. Cuối cùng bà được đón nhận như một người đền tội năm 1277, dưới sự trợ giúp thiêng liêng của các anh Gioan Castiglion Flocence và Giuta Bevegnati. Bà hăng hái làm việc giúp những người nghèo và các bệnh nhân, đã xây cho họ ngôi nhà tình thương "della misericordia". Bà sống phần đời còn lại như một nữ tu kín trong một cái phòng hẻo lánh trên đỉnh đồi Cortôna. Bà qua đời ngày 22-2-1297. Đức Giáo Hoàng Bênôđictô XIII đã phong thánh cho Bà năm 1728.
203. Dòng những người Đền tội quả thật nổi tiếng nhờ các Thánh nữ của mình. Gương thánh thiện mà chúng tôi sẽ giới thiệu cũng là một nhà thần bí lớn, Chân phước Angêla Fôlignô. Angêla sinh năm 1248 ở Fôlignô, gần Assisi. Bà cũng là một người vợ và là một người mẹ. Khi trở thành góa bụa và mất cả các con của mình, bà bắt đầu nghĩ về cuộc sống quá khứ của mình, và bà quyết định làm việc đền tội dưới sự hướng dẫn của cha giải tội. Trong một cuộc hành hương đi viếng mộ Thánh Phanxicô Assisi , năm 1291, bà trải qua một kinh nghiệm thần bí sâu xa mà bà tiếp tục suy nghĩ cả cuộc đời. Ba gia nhập Dòng những người Đền tội. Theo lời khuyên của anh Arnalđô, một anh Phan sinh sống ở Tu-viện-thánh tại Assisi, bà bắt đầu viết lại những kinh nghiệm thần bí của mình. Những kinh nghiệm này được tường thuật trong cuốn tự truyện của bà, và trải dài trong thời kỳ 1285 đến 1296. Là một người đền tội, Angêla trở nên nổi tiếng về những việc bác ái đối với các bệnh nhân và những người phung cùi trong thành phố quê hương của bà. Bà qua đời ngày 4-1-1309, và được Đức Giáo Hoàng Inôxentê XII phong chân phước năm 1693.
204. Một tấm gương cuối cùng về sự Thánh thiện trong những năm đầu của phong trào đền tội Phan sinh do chân phước Raymon Lulla cống hiến: Sinh trên một hòn đảo Majorca Tây-ban-nha năm 1233, ngài trở thành lính cận vệ trong cung điện nhà vua, và là một người được giáo dục cao. Vào một lúc nào đó ngài cảm thấy muốn làm việc đền tội. Bởi thế, ngài từ bỏ vị trí của mình trong triều đình và dành hết năng lực như một người đền tội để xây cất những trường truyền giáo cho anh em Phan sinh chuẩn bị đi sang với những người ttruyền giáo ở Bắc Mỹ. Ngài nhấn mạnh rằng sẽ thiếu hiệu quả khi đi truyền giáo cho những người Hồi giáo nếu không hiểu biết đầy đủ ngôn ngữ và văn hóa Arập. Ngài là một triết gia và đã đi lại nhiều ở Rôma, Avignon, Paris, Viênne, Montpellier. Mục tiêu của ngài là thôi thúc Đức Giáo Hoàng và các quyền bính trong Giáo Hội xây cất những trường truyền giáo. Khi tuổi đời đã cao, năm 1314, bản thân ngài cũng muốn làm nhà truyền giáo đi sang Bắc Phi. Trước kia ngài đã ở đó, năm 1293, và ngài đã bị những người Hồi giáo tại Bougia đánh đập và trục xuất. Ngài đã can đảm trình lên công đồng Viênne năm 1312 đề nghị bàn đến việc Phúc âm hóa những người Hồi giáo. Lần cuối cùng ngài sang Bắc Phi là lúc ngài đã thọ 80 tuổi. Những người Hồi giáo tại Bouigia nhận ra kẻ thù cũ của họ. Họ đánh ngài tới chết trên một quảng trường. Ngài được những thương gia Gênes đưa lên tàu, nhưng ngài đã qua đời khi tàu còn ở ngoài khơi Majorca. Ngài được an táng tại Palma ở Majorca. Đức Giáo Hoàng Lêô X đã phong chân phước cho ngài như một vị tử đạo của đầu Thế kỷ 16.
Bản luật của Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV (1289)
205. Năm 1289 đánh dấu ngày Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV ban cho Dòng Ba Phan sinh một bản luật mới, ngài công bố trọng sắc "Supra montem: Đỉnh núi" tại thành Riêti. Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV đã là một Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn. Ngài là Girôlamô Acôi Picênô, Tổng Phục vụ từ 1274 đến 1279.
206. Bản luật của Dức Giáo Hoàng Nicôlas IV không thêm chất liệu gì mới cho Bản "Memoria Propositi" của năm 1221, nhưng nó đưa lại cho bản văn một hình thức mang tính luật pháp hơn. Đức Giáo Hoàng Nicôlas IV đã sử dụng Bản "Memoria Propositi" cũng như Bản Luật cho những người Đền tội do anh Carô viết, anh là một người Anh em Hèn mọn thuộc Tu việnSanta Croce ở Florence, anh cũng là người kinh lý cho những người Đền tội Phan sinh và Đa Minh năm 1284. Lần đầu tiên trong lịch sử lâu dài của mình, Dòng Ba có một Bản Luật nằm trong một trọng sắc của Đức Giáo Hoàng. Bản Luật dành cho những anh chị em trong Dòng những người Đền tội.
207. Chúng ta sẽ nhìn qua nội dung của Bản Luật, với mục đích trình bày cơ cấu của đời đền tội của các thành viên Dòng Ba Phan sinh thời cuối thế kỷ 13. Chúng ta chỉ cần ghi nhận rằng Bản Luật này có một lịch sử lâu dài, nó được áp dụng cho mãi tới cuối thế kỷ 19, và như thế, nó quy định đời sống của Dòng Ba suốt nhiều thế kỷ.
208. Bản luật có 20 chương. Nội dung của mỗi chương như sau:
- Dòng những người Đền tội, tính công giáo và vâng phục của Dòng đối với Giáo Hội.
- Việc tiếp nhận các tập sinh. Buộc phải hòa giải với tha nhân. Lời khấn công khai buộc những người đền tội phải tuân giữ các giới răn của Chúa. Những phụ nữ kết hôn cần có phép của chồng để gia nhập Dòng.
- Bộ áo đền tội của những người đền tội.
- Ngăn cấm tham gia vào những cuộc giải trí và lễ hội công cộng.
- Những thực hành đền tội như chay tịnh và tiết độ, nhấn mạnh đến những mùa đền tội của anh em Phan sinh , nhưng cũng có sự tự do Phúc âm để ăn tất cả những gì người ta dọn cho. Những người đền tội thanh thản được tự do khỏi luật buộc ăn chay.
- Việc nhận bí tích giải tội và Thánh Thể ngày Lễ Giáng sinh, Phục sinh và Hiện xuống.
- Ngăn cấm mang khí giới và gia nhập quân đội.
- Việc đọc các Giờ Kinh Phụng Vụ, theo cách thức Phan sinh. Tham dự Phhụng vụ ở nhà thờ chính tòa và các nhà thờ giáo xứ.
- Buộc phải viết di chúc.
- Vai trò các anh Phục vụ bảo đảm anh chị em là những chứng nhân cho sự bình Antôn.
- Chạy đến quyền bính Giáo Hội để được bênh vực khi quyền bính dân sự quấy nhiễu.
- Ngăn cấm việc tuyên thệ, nếu không có phép của Tòa Thánh.
- Tham dự thánh lễ hàng ngày. Huynh đệ đoàn gặp nhau hàng tháng, trong đó có cử hành Thánh Thể, rao giảng Lời Chúa, làm việc bác ái đối với những thành viên trong Huynh đệ đoàn nghèo và đau ốm.
- Thăm viếng các anh chị em đau ốm mỗi tuần một lần. Việc tổ chức tang lễ xứng hợp và cầu nguyện cho các thành viên trong Huynh đệ đoàn qua đời.
- Vai trò của Người Phục vụ Huynh đệ đoàn.
- Vị Kinh Lý Huynh đệ đoàn, một anh em Dòng Anh em Hèn mọn, với quyền sửa chữa những sai sót của Huynh đệ đoàn và loại trừ những ai không tuân phục.
- Một lời khuyên tránh gây cớ vấp phạm vì sự chia rẽ trong Huynh đệ đoàn.
- Đức Giám Mục địa phương hoặc vị Kinh lý có thể chuẩn cho cá nhân các thành viên khỏi luật tiết chế của Giáo Hội.
- Những biện pháp kỷ luật phải áp dụng cho các thành viên trong Huynh đệ đoàn không tuân phục, kể cả việc khai trừ khỏi Dòng.
- Kết luận. Tính bó buộc của Luật Dòng Anh chị em Đền tội.
210. Dòng Ba bước vào một thời kỳ khủng hoảng trong thế kỷ 17 và 18. Đức Giáo Hoàng Innôxentê XI, qua trọng sắc " Ecclesiae catholicae: Hội Thánh Công giáo" ngày 28-6-1689, nhận xét và thích nghi Bản luật 1289 với thời thế. Mặc dù văn kiện này bênh vực sự độc lập của Dòng ba, nhưng vẫn dành cho vị Kinh Lý nhiều quyền rộng rãi.
211. Lần lần Dòng Ba đã đánh mất căn tính của mình. Trong thế kỷ 17, Dòng tự mô tả về chính mìmh bằng những từ hàm hồ: institute, religion, confraternity, company, college, seraphic institute, tertiaray institution, fraternity of devotees; tu hội, dòng, huynh đệ doàn, bạn đường, trường, tu hội sốt mến, tu hội Dòng Ba, huynh đệ đoàn những người sốt sắng! Cũng có những vấn đề liên hệ đến quy chế của Dòng ba, họ được coi như những người ở lưng chừng giữa "regulares: tu sĩ" và "saeculares: giáo dân".
212. Trong thế ky 20, Dòng Ba Thánh Phanxicô bắt đầu tiến lên trên đường đổi mới. Một phần đó là kết quả cuộc canh tân xã hội, thành quả cuộc Cách mạng Pháp và với sự thúc đẩy của cuộc Cách mạng Kỷ nghệ. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, vị Giáo hoàng nổi tiếng với thông điệp "Rerum novarum : Tân sự" và cuộc Cải cách xã hội trong phạm vi Kitô giáo, đã để tâm đến việc canh tân Dòng ba Phan sinh. Trong Tông thư "Auspicato" (1882), người loan báo ý muốn đem lại cho Dòng Ba Thánh Phanxicô một hướng đi mới. Trong một lá thư viết cho anh Bernađô Vagô Portugruarô, Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn, Đức Giáo Hoàng biểu lộ nguyện vọng tha thiết của người là đổi mới Dòng Ba theo tinh thần Phan sinh chân chính, để trợ giúp người trong những cố gắng canh tân xã hội. Ngài còn ban cho Dòng một Bản Luật mới qua trọng sắc "Misericors Dei Filius : Con Chúa đầy lòng thương xót" (1883).
213. Đức Giáo Hoàng Piô X, bản thân ngài cũng là thanh viên Dòng Ba, đã viết lá thư "Tetiu Franciscalium Ordinem :Dòng Ba Phan sinh" (8-9-19120), trong đó ngài xin các anh Dòng Nhất hãy chăm sóc thiêng liêng cho Dòng Ba với mục đích cổ võ cuộc canh tân xã hội chân chính. Tuy nhiên, văn kiện này có điều không hay là làm cho Dòng Ba quá lệ thuộc vào Dòng Nhất. Một lần nữa, căn tính căn tính đích thực của Dòng Ba lại được đặt thành vấn đề. Diễn biến ấy dẫn đến ý thức mạnh mẽ hơn về nhu cầu phải đem phải đem lại cho Dòng ba Thánh Phanxicô bản chất độc lập lớn hơn. May thay, tiến trình này đã được thực hiện trong thời kỳ hậu Công đồng Vaticanô II.
Bản luật của Đức Giáo Hoàng PaolôVI và Dòng Phan sinh tại thế
214. Trong cuộc đại hội quốc tế Dòng Ba năm 1950, nhiều người đã nói lên nhu cầu cập nhật hóa Bản Luật của Đức Giáo Hoàng Lêô XIII. Họ nêu ý kiến là Bản Luật thiếu sức thúc đẩy của Phúc âm mà lẽ ra sức đẩy ấy phải là căn bản của luật lệ người Phan sinh. Năm 1957, Tổng Hiến chương mới đã được ban cho Dòng Ba với mục đích đổi mới nội dung của Luật Dòng và đem lại cho Dòng một hướng thiêng liêng, xã hội và tông đồ.
215. Công đồng Vaticanô II tạo một khúc quanh cho cuộc canh tân tận căn trong Dòng Ba. Năm 1966 công việc soạn thảo Bản Luật mới cho Dòng Ba Thánh Phanxicô được bắt đầu. Tiến trình này là một tiến trình lâu dài. Nhiều ủy ban đã làm việc trên các đề nghị mới. Mãi lâu sau, ngày 24-6-1978, Đức Giáo Hoàng Paolô VI chính thức phê chuẩn bản Luật Dòng mới của Dòng Phan sinh tại thế với tông thư "Seraphicus Patriarca : Vị tổ phụ sốt mến".
216. Bản luật mới đưa ra một danh xưng mới cho Dòng Ba Thánh Phanxicô : Dòng Phan sinh tại thế (PSTT//SFO//OFS). Cấu trúc Bản Luật mới gồm lời mở đầu, trong đó chúng ta tìm thấy lời Khích lệ của Thánh Phanxicô gởi anh chị em Đền tội. Theo đường lối này, Luật Dòng Phan sinh tại thế đi đến nền tảng của Phúc âm và đời sống đền tội của người Phan sinh tại thế.
217. Bản Luật của Dòng Phan sinh tại thế gồm có ba chương. Chúng tôi sẽ giới thiệu vắn tắn cấu trúc của Bản Luật với mục đích nêu bật những yếu tố đặc trưng của đặc sủng Dòng Phan sinh tại thế trong thế giới ngày nay.
Chương I - Dòng Phan sinh tại thế
1. Dòng Phan sinh tại thế là một sự diễn tả đặc sủng của Thánh Phanxicô trong Giáo Hội.
2. Định nghĩa Dòng Phan sinh tại thế như một gia đình các Huynh đệ đoàn sống Phúc âm theo cách thức của Thánh Phanxicô.
3. Một ghi chú ngắn về lịch sử Luật Dòng Phan sinh tại thế.
Chương II - Lối sống của người Phan sinh tại thế
4. Đời sống Phúc âm.
5. Đức Kitô hiện diện trong anh chị em. Trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội, và phụng vụ. Ơn bí tích Thanh tẩy.
6. Hiệp nhất với các chủ chăn của Giáo Hội. Ơn gọi Tông đồ sáng tạo.
7. Chiều kích đền tội của đời sống người Phan sinh. Hoán cải và bí tích Hòa giải.
8. Đời sống cầu nguyện, trong các bí tích, Thánh Thể, các giờ kinh Phụng vụ.
9. Lòng tôn sùng Đức Maria.
10. Lời khuyên vâng phục của Phúc âm.
11. Lời khuyên nghèo khó và khiêm hạ của Phúc âm. Bản chất lữ hành của đời sống người Phan sinh.
12. Lời khuyên khiết tịnh của Phúc âm trong bậc tại thế.
13. Tình yêu huynh đệ và lòng kính trọng đối với mọi người.
14. Tính xã hội và dấn thân vào thế giới theo tinh thần phục vụ của Phúc âm.
15. Cổ võ công lý, trong bối cảnh đời sống xã hội.
16. Giá trị của lao động như là việc phục vụ cộng đoàn.
17. Hòa bình và tôn trọng sự sống. Chứng tá về tình yêu chân chính giữa những người Phan sinh tại thế đã kết hôn.
18. Tình yêu và lòng kính trọng đối với mọi tạo vật.
19. Tận lực hoạt động cho hòa bình, qua đối thoại và tha thứ. Gặp gỡ "chị chết " trong tinh thần đức tin đích thực.
Chương III - Đời sống của Huynh đệ đoàn
20. Các Huynh đệ đoàn địa phương, miền, quốc gia và quốc tế. Lối sống được chứa đựng trong Luật và Tổng Hiến chương.
21. Hội đồng Huynh đệ đoàn là người phục vụ Huynh đệ đoàn.
22. Sự thiết lập theo Giáo luật của Huynh đệ đoàn địa phương.
23. Diễn tiến việc tiếp nhận những thành
viên mới của Dòng Phan sinh tại thế. Nghi thức gia nhập, huấn luyện khởi
đầu, khấn giữ Luật Dòng.
24. Những cuộc gặp gỡ với những nhóm Phan
sinh khác, nhất là giới trẻ. Cầu nguyện cho những thành viên của Dòng
Phan sinh tại thế qua đời.
25. Việc quản trị kinh tế của Huynh đệ đoàn.
26. Vai trò trợ úy thiêng liêng của Huynh
đệ đoàn, ưu tiên là một thành viên của Dòng Nhất Thánh Phanxicô. Việc
kinh lý mục vụ và kinh lý huynh đệ.
Đọc bài viết này con đã biết rõ nhiều về lịch sử của dòng Phan Sinh Tại Thế , con không ngờ là Dòng đã được lập từ rất lâu,trãi qua nhiều gian nan, nhiều thử thách, đau khổ,bao nhiêu biến cố vậy mà vẫn vững vàng như hạt mầm đã được gieo vào lòng đất, mặt cho mưa nắng gió bảo nó vẫn nẩy mầm và sinh hoa kết trái trong lòng Gíao Hội, trong bao nhiêu thế hệ. Thật tuyệt vời là Dòng dành cho mọi tần lớp, cho cả những người đã có vợ có chồng.Cho tất cả những ai muốn sống cuộc đời tận hiến, muốn sống trọn vẹn cho tình yêu Giêsu, cho Phúc Âm.Con cảm Tạ Chúa, con cảm ơn Chú đã cho con được thấy Kỳ Công của Chúa.
Trả lờiXóa