Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014
BẢN LUẬT CỦA DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
BẢN LUẬT CỦA DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
(The Rule of the Secular Franciscan Order)
LỜI GIỚI THIỆU
Bản Luật của Dòng Phan Sinh Tại Thế được hình thành qua nhiều giai đoạn để thích nghi với hoàn cảnh lịch sử như sau:
Bản Luật Tiên Khởi Hay còn gọi là “Thư Gởi Các Tín Hữu”; Trong đó Thánh Phanxicô chỉ vạch ra những nét đại cương về đời sống thiêng liêng dựa trên Thánh Kinh chứ chưa có những qui định pháp chế.
Bản Luật 1221 Còn gọi là Dự Phóng Đời Sống, hay Ký Ức Luật (Memoriale Proposition). Nhờ Đức Hồng Y Hugôlinô, vị bảo trợ dòng Anh Em Hèn Mọn hướng dẫn, Thánh Phanxicô đã soạn thảo và đệ trình bản Luật này lên Đức Giáo Hoàng Innôcentê. Nội dung Bản Luật này cũng chỉ chú trọng đến tinh thần và nếp sống của anh chị em Dòng Đền Tội (Oder de Pnitentia) chứ không chú trọng về khía cạnh luật lệ.
Bản Luật 1289 Đức Giáo Hoàng Nicolas IV (thuộc dòng Phan Sinh) đã thành lập một ủy ban xem xét, sửa chữa và bổ túc thêm một số điều khoản cho Bản Luật 1221.
Bản Luật 1883 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cho soạn một bản Luật khác dựa trên hai bản 1221 và 1289 để thích nghi với hoàn cảnh thực tế và thống nhất Dòng Phan Sinh Tại Thế, cũng như hướng Dòng về những hoạt động xã hội.
Bản Luật hiện hành Bản Luật hiện hành đã do ba nhánh Dòng Nhất và Dòng Ba Tại Viện soạn thảo trong vòng mười năm, và Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã phê chuẩn Bản Luật Mới của Dòng Phan Sinh Tại Thế vào ngày 24. 06.1978.
TÔNG THƯ CHẤP THUẬN VÀ PHÊ CHUẨN LUẬT DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHAOLÔ ĐỆ LỤC, ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ.
... Sau khi tham khảo ý kiến với Thánh Bộ Tu Sĩ và Tu Hội Triều để cân nhắc chín chắn mọi sự. Với sự hiểu biết chắc chắn và suy nghĩ kỹ càng, và với tất cả quyền hành của các tông đồ để lại; Do văn thư này, chúng tôi chấp nhận và phê chuẩn Luật Dòng Phan Sinh Tại Thế và ban cho bản Luật này có hiệu lực do sự thừa nhận của Toà Thánh, miễn là bản Luật ấy phù hợp với bản được lưu giữ tại Văn khố của Thánh Bộ Tu sĩ và Tu Hội Triều, được bắt đầu bằng các chữ: “Inter Spirituales familias”, và kết thúc bằng các chữ “Ad normam constitutionum patenda”. Đồng thời, do văn thư này và do quyền của chúng tôi, chúng tôi bãi bỏ bản luật trước kia gọi là Luật Dòng Ba Phanxicô Tại Thế. Chúng tôi tuyên bố văn thư này thành nhất định và có tất cả hiệu lực bây giờ và sau này. Mọi điều ngược với văn thư này đều không có giá trị.
Ban hành tại Rôma, cạnh Đền Thờ Thánh Phêrô với dấu ấn “Người đánh cá”
Ngày 24 tháng 6 năm 1978, Năm thứ 16 của Triều đại của chúng tôi.
Hồng Y Gioan Villot
Quốc Vụ Khanh
Văn phòng Quốc vụ khanh
Hồ sơ số: 352241
THƯ CỦA BỐN TỔNG PHỤC VỤ GIA ĐÌNH PHAN SINH
Gửi anh chị em Dòng Phan Sinh Tại Thế, nhân ngày trao Bản Luật đã được Toà Thánh phê chuẩn.
Chúng tôi vui mừng thông báo cho anh chị em biết rằng Tòa Thánh đã phê chuẩn Bản Luật canh tân của Dòng Phan Sinh Tại Thế qua Tông Thư “Seraphicus Patriarcha” đề ngày 24-6-1978 với dấu ấn “Người Đánh Cá”. Bản luật này bãi bỏ và thay thế bản luật trước kia của Đức Giáo hoàng Lêô XIII.
... Chúng tôi vui mừng trao Bản Luật đã được canh tân của Dòng Phan Sinh Tại thế cho Ban Chủ Tịch Hội Đồng Quốc tế Dòng Phan Sinh Tại Thế (SFO), và qua ban này, cho hết thảy các anh chị em phan sinh tại thế, để anh chị em nhận lấy làm mẹo mực và đời sống.
Rôma, ngày 4-10-1978
Fr. Constantinus KOSER, OFM
Fr. Vitalio BOMMARCO, OFM Conv.
Fr. Paschalis RYWALSKI, OFM Cap.
Fr. Rolandus FALEY, TOR.
LUẬT DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
Phần Mở Đầu
LỜI KHUYÊN BẢO CỦA THÁNH PHỤ PHANXICÔ GỬI ANH CHỊ EM QUI THIỆN
(Trích thơ thánh Phanxicô gửi các tín hữu, đoạn XI, XII)
Nhân Danh Chúa,
Những ai cải thiện đời sống:
Tất cả những ai kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức mình (Mc 12: 30) và yêu thương tha nhân như chính mình (Mt 22: 39), chê ghét thân xác mình cùng với thói xấu và tội lỗi, và rước lấy Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và sinh hoa quả đền tội xứng đáng: những anh chị em nào làm như thế và bền đỗ đến cùng thì hạnh phúc biết bao, vì Thánh Thần của Chúa sẽ ngự xuống trên họ (Is 11: 2) và làm nhà trú ngụ trong họ (Yn 14: 23) và họ là con cái của Cha trên trời (Mt 5: 45), họ làm việc của Người và họ là bạn trăm năm, là anh em, là mẹ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Mt 12: 50). Chúng ta là bạn trăm năm của Người, khi linh hồn trung tín được Chúa Thánh Thần liên kết vớiĐức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chúng ta là anh em của Người khi chúng ta thi hành ý Cha trên trời (Mt 12: 50) là mẹ khi chúng ta lấy lòng kính mến Chúa và lương tâm trong trắng và thành thật mà cưu mangNgười trong lòng và thể xác chúng ta (I Cor 6: 20), chúng ta sinh hạ Người bằng những hành động thánh thiện nêu gương sáng cho kẻ khác (Mt 5: 16).
Ôi vinh quang dường bao khi có được một người Cha thánh thiện và cao cả như thế ở trên trời! Ôi lành thánh biết bao khi có được một người bạn trăm năm là Đấng phù trợ, xinh đẹp và đáng cảm phục như thế! Ôi lành thánh và yêu quý biết bao khi có được một người Anh và một người Con rất đáng yêu mến khiêm hạ, hiếu hoà, hiền từ, khả ái, và đáng ước ao trên hết mọi sự, tức là Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng đã hiến mạng sống mình cho đoàn chiên (Yn 10: 15) và đã cầu cùng Đức Chúa Cha rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha (Yn 17: 11) những kẻ mà Cha đã ban cho Con ở thế gian; họ là của Cha và Cha đã ban họ cho Con (Yn 17: 6), và những lời mà Cha đã ban cho Con, Con đã ban lại cho họ; họ đã chấp nhận và đã thành tâm tin rằng: Cha đã sai Con đến (Yn 17: 8), Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian (Yn 17: 9). Xin Cha chúc lành và thánh hoá họ (Yn 17: 17), và vì họ, Con đã hiến dâng chính mình Con (Yn 17: 19). Con không chỉ cầu xin cho họ mà thôi, nhưng Con cầu cho hết thảy những ai nhờ lời họ mà sẽ tin vào Con (Yn 17: 20). Để họ được thánh hoá trong sự hiệp nhất (Yn 17: 23) như chúng ta vậy (Yn 17: 11). Và lạy Cha, Con muốn rằng hễ Con ở đâu thì họ cũng ở đó với Con, để họ được nhìn thấy vinh quang của Con (Yn 17: 24) trong nước Cha (Mt 20: 21). Amen.
Những ai không cải thiện đời sống:
Hết thảy anh chị em không cải thiện đời sống, không rước lấy Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, sống trong thói hư tội lỗi, buông theo nhục dục bất hảo và những ước muốn xấu xa của xác thịt và những băn khoăn lo lắng trần thế, cùng các công chuyện đời này. Họ là những người nô lệ ma quỷ, là con cái ma quỷ và làm việc của chúng (Yn 8: 41). Họ mù quáng vì không nhận thấy ánh sáng thật là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Họ không có sự khôn ngoan thiêng liêng vì họ không có Con Thiên Chúa là sự khôn ngoan chân thật của Chúa Cha, và đã có lời viết về họ rằng: “Sự khôn ngoan của chúng đã biến đâu mất” (Tv 106: 27) và “khốn cho ai lìa bỏ giới răn Ngài” (Tv 118: 21).
Họ thấy và nhận ra sự dữ, họ biết và họ làm sự dữ và chính họ cố tình làm mất linh hồn mình. Hãy xem, hỡi những kẻ mù quáng bị địch thù mình là xác thịt, thế gian và ma quỷ lường gạt: bởi vì thân xác lấy sự phạm tội làm ngọt ngào và việc phụng sự Thiên Chúa làm cay đắng, bởi vì mọi thói hư và tội lỗi đều bởi lòng người mà xuất phát ra như Lời Chúa nói trong Phúc âm (Mt 7: 21). Và anh chị em chẳng có gì ở đời này và đời sau, và anh chị em nghĩ rằng mình giữ được lâu dài những của phù phiếm đời này, nhưng anh chị em lầm vì ngày giờ mà anh chị em không nghĩ tới, không ngờ và không hay biết, sẽ đến, thể xác yếu liệt, cái chết gần kề và thế là người ta chết cách cay đắng. Và hễ ai chết bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, và bất cứ cách nào khi mắc tội trọng mà chưa ăn năn sám hối đền bù, nếu có thể đền bù, thì ma quỉ cướp lấy linh hồn khỏi xác kẻ ấy cách đau đớn, khổ sở đến nỗi không ai biết được, ngoài kẻ đã chịu điều ấy. Và mọi tài năng và quyền thế, hiểu biết và khôn ngoan (II Ký sự 1: 12) mà họ tưởng mình có, đều bị tước mất (Lc 8: 18; Mc 4: 25). Họ để lại tài sản cho thân thích bạn bè, và những người này đã lấy mà chia nhau rồi sau đó còn nói: “Khốn cho linh hồn nó, bởi vì nó còn có thể cho chúng ta nhiều hơn và kiếm được nhiều của hơn mà nó chẳng kiếm”. Sâu bọ rúc rỉa thể xác; và như thế, họ mất cả hồn lẫn xác ở đời ngắn ngủi này và sa hỏa ngục, nơi đây họ sẽ chịu cực hình mãi mãi.
Trong tình yêu là Thiên Chúa, tôi xin hết thảy những ai bắt được thư này, hãy sẵn sàng đón nhận với lòng kính mến Thiên Chúa những lời thơm tho trên đây của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Và những ai không biết đọc, hãy năng nhờ kẻ khác đọc cho nghe, và hãy ghi tạc các lời ấy vào lòng và đem ra thực hành một cách lành thánh cho đến cùng, vì các lời ấy là Thần Khí và là sự sống (Yn 6: 64). Còn những ai không làm như thế, sẽ phải trả lẽ trong ngày phán xét (Mt 12: 36) trước toà Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta (Rôma 14: 10)
K. Esser, Opuscula S. Patris FrancisciEditiones Collegii S. Bonay. ad Claras Aquas Grotta-ferreta.
Chương I: DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ
Điều 1: DÒNG PHAN SINH TRONG HỘI THÁNH
Trong số các gia đình thiêng liêng do Chúa Thánh Thần khởi xướng trong Giáo Hội (Hiến chế tín lý về Giáo Hội #43), gia đình Phan Sinh qui tụ hết thảy mọi thành phần Dân Thiên Chúa: giáo dân, tu sĩ và linh mục, là những người nhận thấy được mời gọi nối gót Đức Kitô theo vết chân thánh Phanxicô Assisi (Đức Piô XII: Huấn từ cho các Anh Chị Em Dòng Ba, 1-7-1956). Bằng những cung cách và hình thức khác nhau, nhưng luôn hiệp thông hỗ tương cốt thiết, họ muốn làm sống lại đặc sủng của thánh Phanxicô Assisi trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội hôm nay.(Vaticanô II: Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, # 4)
Điều 2: DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ TRONG GIA ĐÌNH PHAN SINH
Trong Gia đình Phan sinh nói trên, Dòng Phan Sinh Tại thế có một vị trí riêng biệt. Dòng này biểu hiện như một một tổ chức chặt chẽ, gồm các đoàn, các nhóm Công giáo trên khắp hoàn cầu, trong đó anh chị em qua lời tuyên khấn, tự buộc mình sống Phúc âm theo cách thức thánh Phanxicô Assisi, nhờ sự hỗ trợ của Luật Dòng này (Giáo Luật, # 303) đã được Giáo Hội công nhận. Dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Linh, họ cố gắng đạt tới đức Ái trọn hảo qua việc chu toàn các bổn phận trần thế của mình.
Điều 3: LUẬT DÒNG MỚI
Dựa theo “Bản dự phóng đời sống” (Memoriale Propositi) năm 1221, dựa theo các bản Luật đã được các Đức Giáo-hoàng Nicôlas IV và Lêô XIII phê chuẩn, bản Luật này thích nghi Dòng Phan Sinh Tại Thế với các đòi hỏi và mong mỏi của Giáo Hội trong hoàn cảnh đổi thay của thời đại. Giải thích Luật này là quyền của Tòa Thánh, còn việc áp dụng sẽ được qui định bởi Tổng Hiến Chương và Nội Qui riêng.
Chương II: CÁCH THỨC SỐNG
Điều 4: CHỌN TIN MỪNG LÀM CHUẨN
Luật và đời sống của anh chị em Phan sinh Tại thế là tuân giữ Phúc âm của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, theo gương thánh Phanxicô Assisi là Đấng đã chọn Đức Kitô làm nguồn cảm ứng và là trọng tâm đời sống của Người trong tương quan với Thiên Chúa và loài người. (I Cêlanô II, 115). Đức Kitô, ân huệ tình thương của Chúa Cha, là Đường dẫn đến Chúa Cha, là Sự Thật mà Chúa Thánh Linh soi sáng cho chúng ta biết, là Sự Sống mà chính Ngài đã đến để ban dồi dào cho chúng ta. (Gioan 3: 16; 14: 6). Anh chị em Phan sinh tại thế hãy đọc Phúc âm thường xuyên, đi từ Phúc âm đến cuộc sống và từ cuộc sống đến Phúc âm. (Vaticanô II: Sắc lệnh Tông đồ giáo dân, # 30h).
Điều 5: SỐNG LỄ TẾ TẠ ƠN
Anh chị em Phan sinh tại thế tìm gặp Đức Kitô như Ngài đang sống và hành động trong tha nhân, trong Kinh Thánh, trong Giáo Hội, trong các lễ nghi phụng tự. Niềm tin đã khiến thánh Phanxicô viết ra câu: “Trên trần gian này, tôi không thấy gì cụ thể về Người Con rất cao cả của Thiên Chúa, ngoài Mình và Máu rất thánh của Người”, niềm tin ấy gợi hứng và hướng dẫn anh chị em sống bí tích Thánh Thể.
Điều 6: SỐNG BÍ TÍCH THÁNH TẨY
Được mai táng và sống lại với Đức Kitô trong bí tích Thánh Tẩy, anh chị em là thành phần sống động của Hội Thánh. Qua lời tuyên khấn, anh chị em còn được kết hiệp mật thiết hơn nữa với Đức Kitô, và như thế, anh chị em trở nên chứng nhân và khí cụ thực hiện sứ mạng của Hội Thánh giữa loài người bằng cách dùng đời sống và lời nói loan báo Đức Kitô.
Được thánh Phanxicô gợi hứng và cùng với Người, được mời gọi canh tân Giáo Hội, anh chị em hãy quyết tâm sống hiệp thông trọn vẹn với Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục, các Linh mục. Anh chị em hãy sẵn sàng đối thoại với các ngài cách cởi mở, dựa trên đức tin, một cuộc đối thoại mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động tông đồ. (Phaolô VI: Huấn từ cho các người Dòng Ba, ngày 19.3.1971).
Điều 7: SỐNG CANH TÂN HOÁN CẢI
Những anh chị em sống đời hoán cải (I Luật Dòng Ba 1221/1228 của Đức Gregorio IX), do ơn gọi riêng của mình và do sức mạnh Phúc âm thúc đẩy, hãy làm cho suy nghĩ và hành động của mình giống hệt với mẫu mực là Chúa Kitô. Họ đạt được điều này nhờ một sự thay đổi tận căn trong tâm hồn mà Phúc âm gọi là “hoán cải”. Vì tính yếu đuối của loài người, sự hoán cải này cần được bắt đầu lại mỗi ngày. Vaticanô II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội # 8; Sắc lệnh về Đại kết (Hiệp nhất) # 4. Nghi thức mới về cử hành Phụng vụ sám hối, phần mở đầu).
Trên con đường đổi mới này, bí tích Hoà giải là dấu chỉ đặc biệt bày tỏ lòng thương xót của Chúa Cha và là nguồn mạch ban ân sủng. (Vaticanô II: Sắc lệnh về đời sống và chức vụ Linh mục, # 18)
Điều 8: SỐNG CẦU NGUYỆN THIẾT THA
Như Đức Giêsu là Đấng thờ phượng Chúa Cha cách đích thực, anh chị em hãy làm cho việc cầu nguyện và chiêm niệm trở nên nguồn sinh lực cho đời sống và hành đôïng của mình. (Vaticanô II: Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân,# 4 abc)
Anh chị em hãy tham dự vào đời sống bí tích của Hội Thánh, nhất là bí tích Thánh Thể. Anh chị em hãy kết hiệp với Kinh nguyện Phụng vụ của Hội Thánh theo một trong những cách thức được Hội Thánh đề ra. Và như thế anh chị em làm sống lại các mầu nhiệm của đời sống Đức Kitô.
Điều 9: TÔN SÙNG MẸ MARIA
Đức trinh nữ Maria, nữ tì khiêm hạ của Chúa, sẵn sàng lắng nghe Lời Chúa và đáp lại những lời mời gọi của Chúa, đã được thánh Phanxicô sùng kính với một lòng yêu mến khôn tả, và đã tôn làm Đấng phù hộ và Trạng sư cho gia đình Người (2 Cel II, 198). Anh chị em Phan sinh tại thế hãy tỏ lòng yêu mến nồng nàn đối với Đức Nữ Trinh Maria qua việc noi gương bắt chước thái độ sẵn sàng triệt để và qua việc cầu nguyện với Đức Trinh nữ cách ý thức và đầy tin tưởng. (Vaticanô II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội, # 67; Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo dân, # 4).
Điều 10: ĐỨC VÂNG LỜI CAO CẢ
Hiệp thông với sự vâng phục có giá trị cứu độ của Đức Giêsu, Đấng đã hoàn toàn đặt ý mình trong tay Chúa Cha, anh chị em hãy trung thành chu toàn các bổn phận của đấng bậc mình trong những hoàn cảnh sống khác nhau. (Vaticanô II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội, # 41) Anh chị em hãy bước theo Đức Kitô nghèo khó, chịu đóng đinh. Cả lúc gặp khó khăn, bắt bớ, anh chị em vẫn tỏ ra trung thành với Người.(Vaticanô II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội, # 42)
Điều 11: ĐỨC THANH BẦN KHIÊM HẠ
Đức Kitô trong sự tin tưởng vào Chúa Cha, đã chọn cho Người và Mẹ Người một đời sống nghèo khó và khiêm hạ (Thư gửi các tín hữu, # 5), mặc dầu vẫn coi trọng và quí mến các tạo vật. Bởi vậy anh chị em Phan sinh tại thế, lúc lựa chọn cũng như lúc sử dụng, hãy tìm một tương quan đúng đắn với của cải trần thế, khi phải đáp ứng các nhu cầu vật chất của mình.
Theo Phúc âm, anh chị em ý thức mình là những người quản lý của cải đã nhận được vì lợi ích của mọi con cái Chúa. Và như thế, trong tinh thần các Mối Phúc anh chị em phải giữ mình khỏi mọi khuynh hướng và khát vọng chiếm hữu, thống trị, sống như những người lữ hành và khách lạ trên đường về nhà Cha. (Rôma 8, 17; Vaticanô II: Hiến chế tín lý về Giáo hội, # 7)
Điều 12: ĐỨC TRONG SẠCH KHIẾT TỊNH
Là chứng nhân cho các giá trị đời sau, và do ơn gọi mà anh chị em đã đón nhận, anh chị em có bổn phận làm cho tâm hồn được trong sạch. Như thế, anh chị em được tự do hơn để kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. (Huấn ngôn, # 16; Thư gửi các tín hữu, # 70).
Điều 13: TÌNH HUYNH ĐỆ CHÂN THÀNH
Như Chúa Cha nhìn thấy nơi mỗi người nét mặt Người Con của Ngài, Anh Cả của một đoàn em đông đúc (Rm 8, 29), cũng vậy, anh chị em Phan sinh tại thế trong tinh thần khiêm tốn và nhân ái, đón nhận mọi người như một ân huệ của Chúa và như hiện thân của Đức Kito.â (2 Cel II, 85; Thư gửi các tín hữu, # 26; I Luật 7, 13) Cảm thức về tình huynh đệ làm cho anh chị em vui vẻ và sẵn sàng hoà mình với tất cả mọi người, nhất là với những người hèn mọn hơn cả. Anh chị em hãy tìm cách tạo cho họ những điều kiện sống xứng hợp với phẩm giá của con người được Đức Kitô cứu chuộc. (I Luật 9, 3; Mt 25: 40).
Điều 14: LÀM XÃ HỘI HOÀN HẢO
Cũng với tất cả những người thiện chí, anh chị em được mời gọi làm cho Nước Chúa trị đến bằng cách xây dựng một thế giới huynh đệ hơn và phù hợp với tinh thần Phúc âm hơn. Anh chị em cũng ý thức rằng “hễ ai đi theo Đức Kitô, Con Người hoàn hảo, thì người ấy cũng trở nên người hơn”. Và như thế, anh chị em có thể thi hành đúng đắn trách nhiệm của mình trong tinh thần sẵn sàng phục vụ của Kitô giáo. (Vaticanô II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội, # 31; Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, # 93).
Điều 15: CÔNG LÝ NÊU CAO
Qua chứng tá đời sống nhân bản và qua những sáng kiến dũng cảm có tính cách cá nhân hay tập thể, anh chị em cố gắng phát huy công lý, nhất là trong phạm vi đời sống công cộng, và trong những quyết định cụ thể, anh chị em luôn trung thành với đức tin của mình. (Vaticanô II: Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân #14)
Điều 16: SỐNG LAO ĐỘNG CẦN CÙ
Anh chị em xem lao động như một ân huệ và như một sự tham gia vào công trình sáng tạo, cứu chuộc và phục vụ cộng đồng nhân loại. (Vaticanô II: Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay # 67; Luật không Sắc dụ,# 7; Luật có Sắc dụ,#5)
Điều 17: CHĂM LO CHO GIA ĐÌNH
Trong gia đình, anh chị em hãy trau dồi tinh thần phan sinh là tinh thần hòa thuận, trung tín và tôn trọng sự sống. Anh chị em ra sức biến tinh thần ấy thành dấu chứng cho một thế giới đã được đổi mới trong Đức Kitô. (Luật Đức Lêô XIII: II, 8)
Đặc biệt bậc vợ chồng, sống nhờ ơn sủng của bí tích Hôn nhân, hãy chứng tỏ cho thế giới thấy tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh Người. Với một nền giáo dục kitô giáo đơn sơ và cởi mở, đặc biệt quan tâm đến ơn gọi riêng của mỗi người con, anh chị em hãy vui vẻ cùng với con cái tiến bước trong cuộc hành trình nhân bản và thiêng liêng. (Vaticanô II: Hiến chế tín lý về Giáo Hội, # 41; Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân, # 30)
Điều 18: QUÍ TRỌNG MỌI TẠO VẬT
Anh chị em Phan sinh tại thế cũng hãy quí trọng các tạo vật khác, sinh vật cũng như vật vô tri, là những vật mang dấu tích của Đấng Tối Cao (1 Celano I, 80), anh chị em hãy cố gắng lướt thắng cơn cám dỗ lạm dụng chúng để đạt tới một quan niệm phan sinh về tình huynh đệ phổ quát xem mọi người, mọi vật đều là anh em.
Điều 19: LÀ SỨ GIẢ BÌNH AN
Là những sứ giả bình an và với ý thức rằng sự bình an phải được xây dựng không ngừng, anh chị em hãy đối thoại để tìm kiếm những đường lối đưa đến hiệp nhất và hoà hợp huynh đệ.
Anh chị em cứ tin tưởng vào mầm mống thần linh nơi con người, cũng như tin tưởng vào khả năng biến đổi của tình thương và lòng tha thứ (Luật Đức Lêô XIII, II, 9; Truyện Ba người bạn 14, 58).
Anh chị em là sứ giả của niềm vui trọn hảo trong mọi hoàn cảnh, anh chị em hãy ra sức mang niềm vui và niềm hy vọng đến cho người khác. (Huấn Ngôn, #21; I Luật 7, 15)
Được liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm Sống Lại của Đức Kitô là mầu nhiệm đem lại ý nghĩa đích thực cho Chị Chết, anh chị em hãy thanh thản chờ đợi cuộc gặp gỡ cuối cùng với Chúa Cha. (Vaticanô II: Hiến chế mục vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay, # 18)
Chương III: SỐNG THÀNH HUYNH ĐỆ ĐOÀN
Điều 20: SỐNG THÀNH HUYNH ĐỆ ĐOÀN
Dòng Phan Sinh Tại Thế qui tụ các huynh đệ đoàn thuộc nhiều cấp khác nhau: địa phương, miền, quốc gia và quốc tế. Mỗi huynh đệ đoàn là một pháp nhân trong Hội Thánh (Giáo Luật 313). Các huynh đệ đoàn ở các cấp khác nhau ấy được thống nhất và liên kết với nhau theo qui tắc của bản Luật này và của Hiến Chương.
Điều 21: BAN PHỤC VỤ, HỘI ĐỒNG
Ở các cấp khác nhau, mỗi huynh đệ đoàn được một Hội đồng và một anh/chị Phục vụ linh hoạt và điều khiển. Những người này được bầu chọn theo Hiến Chương bởi các thành viên đã tuyên khấn (Giáo Luật 317, 1). Việc phục vụ của họ có thời hạn. Việc phục vụ này phát xuất từ sự sẵn sàngdấn thân và ý thức trách nhiệm đối với mọi người và đối với tập thể.
Các huynh đệ đoàn được tự tổ chức khác nhau theo Hiến Chương, tùy nhu cầu của các thành viên và tùy theo từng miền. Mỗi huynh đệ đoàn được đặt dưới sự điều khiển của một Hội đồng.
Điều 22: ĐOÀN ĐỊA PHƯƠNG SINH HOẠT
Huynh đệ đoàn địa phương được thiết lập theo đúng Giáo Luật. Như thế, huynh đệ đoàn địa phương là tế bào cơ bản của toàn Dòng và là dấu chỉ hữu hình của Hội Thánh, một cộng đoàn yêu thương. Đó là môi trường ưu việt giúp phát huy cảm thức về Hội Thánh, về ơn gọi phan sinh và đời sống tông đồ nơi các thành viên (Đức Piô XII: Huấn từ cho các người dòng Ba, ngày 1.7.1956).
Điều 23: ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP DÒNG
Đơn xin gia nhập Dòng Phan Sinh Tại Thế phải nạp cho Huynh đệ đoàn địa phương, và Hội đồng của huynh đệ đoàn này sẽ quyết định về việc chấp nhận các thành viên mới (Giáo Luật 307). Việc gia nhập Huynh đệ đoàn gồm: một thời gian tìm hiểu, một thời kỳ huấn luyện ít là một năm, và việc tuyên khấn giữ Luật Dòng (I Luật Dòng Ba). Tất cả Huynh đệ đoàn cùng có trách nhiệm chăm lo cho tiến trình gia nhập ấy bằng đời sống của mình. Về hạn tuổi phải có để tuyên khấn và về huy hiệu của Huynh đệ đoàn (1 Cel I, 22), thì căn cứ theo các qui tắc của Nội quy quốc gia. Lời tuyên khấn tự bản chất có giá trị ràng buộc vĩnh viễn (I Luật Dòng Ba).
Những anh chị em gặp khó khăn đặc biệt có thể bàn giải các vấn đề của mình với Hội đồng Huynh đệ đoàn địa phương, qua đối thoại huynh đệ. Hội đồng này có thẩm quyền quyết định về việc cho rút lui, cũng như nếu cần, sa thải vĩnh viễn các thành viên của Huynh đệ đoàn dựa theo qui tắc Hiến chương (Giáo luật 308).
Điều 24: TÌNH HIỆP THÔNG HUYNH ĐỆ
Để cổ võ sự hiệp thông giữa các thành viên của Huynh đệ đoàn, Hội đồng phải lo tổ chức những cuộc họp định kỳ và những cuộc gặp gỡ thường xuyên, cả với những nhóm Phan sinh khác, nhất là các nhóm trẻ. Hội đồng phải sử dụng những phương thế thích hợp nhất để phát triển đời sống Phan sinh và đời sống Hội Thánh, và để cổ võ mọi người sống liên kết với Huynh đệ đoàn nhiều hơn (Giáo Luật 309).
Anh chị em tiếp tục sống tình hiệp thông huynh đệ với những anh chị em đã qua đời, bằng cách cầu nguyện cho họ (I Luật Dòng Ba).
Điều 25: CHI PHÍ CÙNG CHIA SẺ
Về các chi phí cần thiết cho đời sống của Huynh đệ đoàn, cho việc phụng tự, tông đồ và bác ái, tất cả anh chị em đóng góp tùy theo khả năng. Các huynh đệ đoàn địa phương còn phải lo góp phần vào những chi phí của Hội đồng các huynh đệ đoàn cấp cao hơn (I Luật Dòng Ba).
Điều 26: DÒNG NHẤT GIÚP THIÊNG LIÊNG
Để biểu lộ cách cụ thể sự hiệp thông và tinh thần trách nhiệm đối với nhau, Hội đồng thuộc các cấp khác nhau sẽ theo Hiến Chương mà xin cử những tu sĩ có khả năng và đã được chuẩn bị để làm Trợ úy tinh thần, nơi các Bề trên của bốn nhánh trong gia đình tu sĩ Phan sinh, mà Dòng Phan Sinh Tại Thế xưa nay vẫn liên hệ.
Để cổ võ lòng trung thành với ơn gọi Phan sinh và việc tuân giữ Luật Dòng, cũng như để hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho đời sống Huynh đệ đoàn, anh/chị Phục vụ sau khi đã thỏa thuận với Hội đồng, phải theo định kỳ xin các tu sĩ Bề trên có thẩm quyền kinh lý mục vụ (II Luật Dòng Ba 1289 của Đức Nicolas IV), cũng như xin các anh/chị có thẩm quyền ở cấp cao kinh lý huynh đệ, chiếu theo Hiến Chương.
PHẦN KẾT LUẬN
“Và hễ ai tuân giữ các điều trên đây sẽ được Chúa Cha cao cả trên trời chúc phúc, và dưới đất sẽ được Chúa Con yêu dấu của Người với Thánh Linh, Đấng bảo trợ rất thánh, cùng tất cả chư thần Thiên quốc và toàn thể các thánh chúc phúc.” (Lời chúc phúc của thánh Phanxicô trong Chúc thư).
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét