LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

THỨ HAI TUẦN THÁNH


 THỨ HAI TUẦN THÁNH


Tin mừng : Ga 12, 1-11.

“Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy”.



Anh chị em thân mến,

Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy có cô Mác-ta đang hầu bàn phục vụ khách ăn, cô Ma-ri-a lấy bình dầu thơm quý giá xức chân cho Đức Chúa Giê-su, và chắc chắn La-da-rô cùng đồng bàn với Ngài vì anh là đàn ông trong gia đình, trong bối cảnh này, chúng ta nghĩ đến gia đình mà chúng ta đang sống, nghĩ đến cộng đoàn giáo xứ mà chúng ta đang phục vụ, và nghĩ đến cộng đoàn tu trì mà chúng ta được mời gọi hiến dâng để phục vụ.



Xin được rửa chân

thì tốt hơn là sửa lưng anh chị em

“Một ngày nọ, chim nhạn rừng mát lòng hả dạ nói với Đấng tạo hóa: “Con đến làm môn đồ của Ngài có được không ?”.

- “Tốt thôi”- Đấng tạo hóa trả lời và chỉ một con hạc đàng xa nói tiếp: “Con đi rửa chân cho nó vì nó mới đi qua vũng bùn lầy lội”.

- “Cái gì ?”- chim nhạn rừng kinh ngạc kêu lên một tiếng, không thèm để ý, nói tiếp: “Con là môn đồ của Chúa, không được phép phục vụ người khác”.

Đấng tạo hóa cười nói: “Này con, nếu con không phục vụ người khác, thì người ta làm sao mà nhận ra con là môn đồ của Ta chứ ?” [1].








Anh chị em thân mến,

Sau khi rửa chân cho ông Phê-rô và các môn đệ, Đức Chúa Giê-su đã nói rằng: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? Anh em gọi thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm...Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau”[2].



Rửa chân cho nhau là dấu hiệu để người ta nhận ra người môn đệ của Đức Chúa Giê-su, khi mà thế gian còn quá nhiều người chỉ muốn sửa lưng dạy đời người khác, hơn là tự kiểm điểm bản thân của mình trước, rửa chân là phục vụ vô vị lợi Chúa Giê-su nơi người anh em chị em của mình.






“Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ?”, các môn đệ đã hiểu rõ ràng sau khi Đức Chúa Giê-su giải thích, càng có chức quyền thì càng hiểu rõ lời nói của Đức Chúa Giê-su, chúng ta cũng hiểu rõ việc Đức Chúa Giê-su đã làm cho các môn đệ, các linh mục cũng hiểu rất rõ việc  của Đức Chúa Giê-su đã làm cho các môn đệ, các tu sĩ nam nữ cũng hiểu rõ việc Đức Chúa Giê-su đã làm cho các môn đệ: rửa chân là phục vụ tha nhân, và là dấu chỉ người môn đệ chân chính của Đức Chúa Giê-su.



Trong cộng đoàn, tôi chỉ muốn ăn trên ngồi trước anh em chị em, tôi chỉ muốn người ta coi mình như một người đáng được phục vụ, cho nên không ai nhận ra tôi là người môn đệ của Đức Chúa Giê-su; trong xứ đạo, vì nghĩ mình là một mục tử nên tôi coi mình có quyền ban phát ân huệ của Thiên Chúa cho giáo dân, thế là tôi ngước mắt lên trời khi ông cụ giáo dân lớn tuổi chào tôi, tôi không gật đầu niềm nở với những người hay góp ý chân tình cho tôi, và thế là dù cho tôi đọc cả hàng ngàn lần câu chuyện rửa chân cho các môn đệ của Đức Chúa Giê-su, thì tôi cũng vẫn cứ cố tình không hiểu ý nghĩa của nó, cho nên ngay cả giáo dân của tôi cũng không nhìn thấy tôi là môn đệ của Ngài, mà chỉ thấy tôi là một chức sắc của Giáo Hội: kiêu căng, ích kỷ và xa cách.



Ai cũng thích đi sửa lưng cho người khác mà không ai biết cúi xuống rửa chân cho mình trước, bởi vì ai cũng muốn được làm môn đệ Đức Chúa Giê-su, nhưng lại không muốn học gương sáng phục vụ tha nhân của Ngài.



Anh chị em thân mến,

Cô Mác-ta đã hầu bàn phục vụ khách dự tiệc, cô Ma-ri-a lấy dầu thơm quý nhất của mình để xức chân cho Đức Chúa Giê-su, đây là bài học sống động để trở nên người môn đệ của Ngài: phục vụ là đem cái mình quý nhất là danh dự, là sĩ diện tặng cho tha nhân, bởi vì đó chính là hành động của Đức Chúa Giê-su, khi Ngài vốn là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”.[3] – Ngài đã đem cái vinh quang Thiên Chúa của Ngài để tặng cho nhân loại khi chết nhục nhã trên thập giá.



Rửa chân mình trước thì tốt hơn là sửa lưng cho tha nhân, đó là tâm tình của người khiêm tốn biết nhìn ra cái yếu hèn và khuyết điểm của mình vậy...



Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.
 Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét