LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Chủ Nhật, 20 tháng 4, 2014

SỐNG THÂN TÌNH VỚI CHÚA (Thứ 2 Tuần Bát Nhật Phục Sinh)


 
 Tin Mừng cho mọi người

Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” (Mt 28,10)
               Thứ 2 tuần bát nhật Phục Sinh




         ------------------------------------------------------------------
 Hãy sống thân tình với Thiên Chúa và xây dựng bình an, anh sẽ tìm lại được hạnh phúc” (G 22, 21).
--------------------------------------
Lời mời gọi chứa đầy tình yêu mến mà Chúa Giêsu dành cho những ai Ngài chọn. Và khi chúng ta đáp lại lời mời gọi đó, chính lúc đó ta được trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.
 Thánh Phaolô nói “ Tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi …” (Pl 3, 8).

Tông Huấn về đời sống thánh hiến khẳng định: “Khởi điểm của chương trình này là sự kiện phải rời bỏ tất cả để theo Đức Kitô” (ĐSTH số 93) và sống gắn bó với Ngài.

Chúa Giê su cũng đã diễn tả tâm tình này khi đưa ra hai dụ ngôn người tá điền và anh lái buôn: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy” (Mt 13,44 – 46).


Niềm vui và hạnh phúc của người môn đệ , là xác tín  về vị Thầy mà mình quyết định đi theo để được ở cùng và sống với Ngài. Vị Thầy đó chính là kho tàng, là viên ngọc quý. Ngài là lẽ sống, là lý tưởng. Trong Tin Mừng, chúng ta cũng thấy có câu chuyện chàng thanh niên giàu có được Chúa Giêsu  yêu mến, quý trọng và mời gọi anh ta bước đi theo Ngài “ Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi". Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mc 10,21-22). Tuy nhiên, anh đã không đáp lại lời mời gọi ấy và đã buồn rầu bỏ đi chỉ vì anh ta có nhiều của cải.

 Anh chị em Phan Sinh Tại Thế chúng ta cũng vậy. Có rất nhiều người hiến thân để sống đời phục vụ... Nhưng lại không chịu những điều kiện đi đôi với ước muốn. Họ muốn cả hai và luôn trong tình trạng sẵn sàng “bắt cá hai tay” .

 Chính vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy rất nhiều người tỏ vẻ bên ngoài thành công, họ được nhiều người trọng dụng và tôn trọng. Nhưng thực chất, khi đối diện với lương tâm, họ là những người bi đát, thất vọng vì không có nguồn hạnh phúc thật là chính Chúa, mà chỉ có những thứ hạnh phúc tầm thường

Vậy muốn có một cuộc đời hạnh phúc thật, thì trước tiên, người sống đời thánh hiến phải yêu mến và siêng năng đời sống cầu nguyện.

 Cầu nguyện được ví như hơi thở: "  Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái,nhưng thể xác lại yếu đuối" (Mt 26,41). Nếu không cầu nguyện, chúng ta còn có nguy cơ bị cám dỗ và xa dần Thiên Chúa 

Cầu nguyện đối với người sống đời thánh hiến được khởi đi từ lúc bình minh đến khi chiều tà. Từ khi mặt trời ló rạng đến khi khuất núi ban chiều. Mẹ  Têrêsa Calcutta đã cầu nguyện liên lỉ. Cầu nguyện trong mọi cảnh huống thường ngày. Tuy nhiên, mẹ không phải lúc nào cũng ở trong nhà thờ để cầu nguyện. Với mẹ, mọi nơi mọi lúc đều có thể cầu nguyện được. Chính vì thế, hễ những ai gặp được mẹ, từ người quyền cao chức trọng, đến thường dân. Từ người giàu đến người sống trong khu ổ chuột... ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc và vui mừng khi gặp mẹ. Mẹ không có tiền bạc, không phải là một phụ nữ hấp dẫn, trẻ trung, không phải là người có địa vị trong xã hội... Nhưng mẹ hấp dẫn là vì mẹ có tình yêu. Tình yêu của mẹ là tình yêu hướng tha nhân được khởi đi từ sự cầu nguyện. Chính trong đời sống cầu nguyện mà mẹ cảm nghiệm thật hạnh phúc, đồng thời mẹ trao ban niềm vui và hạnh phúc đó cho mọi người.

Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm Đường Hy Vọng có nói: “Thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động” (ĐHV 119).  

Nếu anh chị em Phan Sinh Tại Thế chúng ta không có đời sống cầu nguyện, thì chúng ta mất đi nguồn bình an, và như thế, chính bản thân ta đâu có đủ tư cách nói rằng tôi làm việc này hay việc khác vì Chúa đâu! “Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa.  (ĐHV 120). 
Những người không có đời sống cầu nguyện. Cuộc đời của họ sẽ sụp đổ nhanh chóng vì họ xây nhà trên cát  

Có rất nhiều anh chị em chúng ta nói: tôi cầu nguyện rất nhiều, tôi dành cho Chúa rất nhiều thời giờ, nhưng sống với anh chị em trong huynh đệ đoàn thì chẳng ra gì cả.  Cầu nguyện là một trạng thái bình an, cầu nguyện còn giúp cho mỗi anh chị em chúng ta trở về với lòng mình một cách chân thực để biết mình và biết Chúa và nhận ra con người yếu đuối của mình, và nhận ra Thiên Chúa là đấng tuyệt mỹ toàn năng
 “Người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bảo táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá ” (Mt 7, 24-25).


  “Cầu nguyện là mở tâm hồn, mở trái tim và đôi bàn tay trước mặt Thiên Chúa. Tôi còn bám víu vào nhiều thứ trong đời sống của tôi và quyết nắm chặt lấy chúng trong tay: của cải vật chất, tinh thần, công việc, địa vị của tôi, bạn bè, nguyên tắc của tôi… Nếu tôi mở tay ra, những ‘của cải’ trên vẫn còn đó, có lẽ không một vật nào rơi bớt đi, nhưng ít nhất đôi bàn tay tôi đã mở. Thái độ đó là thái độ của người cầu nguyện”.


Qua lời tuyên khấn trong Dòng Phan Sinh Tại Thế , anh chị em chúng ta được hạnh phúc, vì có Chúa luôn hiện diện và đồng hành trên nhửng chặng đường  chông gai, khi thi hành sứ vụ mà Chúa giao phó, xin giúp con biết cách và can đảm nói về Chúa cho mọi người chưa biết Chúa.Amen



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét