ĐỨC TIN GIỮA CUỒNG PHONG
CHÉN THUỐC NẦY KHÓ UỐNG
Câu chuyện cách đây gần nửa thế kỷ. Chính xác là 47 năm qua, khoảng thời gian khá dài sánh với đời người, lúc ấy tôi còn nhỏ, đang học tiểu học, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ hình ảnh về một người phụ nữ trẻ, trước và sau trận cuồng phong ập đến cuộc đời người phụ nữ bất hạnh ấy... (tên nhân vật trong truyện đã thay đổi)
Chị Lệ Kha là một
cô gái quê hiền hòa và xinh đẹp, nhà chị cạnh nhà thờ của một Giáo Xứ
lớn ở miền quê. Mẹ chị bị mù vì một cơn bệnh sau khi đã có hai đứa con
gái, chị là đứa con lớn. Lúc ấy chị hiểu được nỗi buồn mênh mông của Cha
mình.
Cha chị đi lính
miền Nam và đóng quân gần nhà. Chị không chịu lập gia đình, vì muốn
được ở nhà chăm sóc người mẹ mù. Đó cũng là cách yêu thương và chia sẻ
nỗi buồn của Cha mình, chị nghĩ thế. Chị thường nói với đứa em gái:
- Em có chồng nhé, còn chị sẽ ở vậy để nuôi cha mẹ khi già yếu.
Điều chị nói chắc
là thật lòng, nên đã khá lớn tuổi rồi mà chị vẫn không chịu lập gia
đình, mặc dù có nhiều người lên tiếng làm thân với chị, nhưng chị đều từ
chối.
Hằng ngày chị lo
mua bán, chủ yếu là nghề bán hàng xáo (xây lúa bán gạo, cám…) kiếm đồng
lời tiếp cha lo chăm sóc người mẹ mù lòa và đứa em gái nhỏ hơn chị 10
tuổi. Chị luôn quanh quẩn bên gia đình khi làm xong công việc. Chị không
thích đi chơi đây đó và không lo gì cho riêng mình. Chính vì thế, chòm
xóm và nhiều trai làng yêu mến chị.
Cha chị thì hay
bận việc đời lính, nhà có hai chị em với người mẹ mù, tuy thế, cuộc
sống gia đình vẫn ấm áp, bình yên, cho đến một ngày kia…
Một trận cuồng phong bất ngờ thổi đến…
1965
- Kha ơi, qua đây giữ em dùm mình, mình kẹt có việc một chút. - Cô hàng xóm, bạn của chị Lệ Kha, nhà bên cạnh gọi.
Lúc ấy khoảng
20g, chị Lệ Kha định ngủ, thời điểm đó ở quê chưa có điện. Nghe gọi,
chị đi qua nhà bạn. Bước vào nhà, người bạn đứng phía trong nói vọng ra:
- Chờ mình một chút.
Ngay lúc ấy, chị
Lệ Kha nhìn thấy chàng trai đứng chờ sẵn trong nhà. Anh ta tên Nh. Anh
ta yêu chị Lệ Kha và theo đuổi từ lâu, nhưng anh ta là người nổi tiếng
sở khanh, từ lâu chị luôn từ chối mọi cuộc gặp gỡ với hắn.
Ngay khi gặp Nh., Chị Lệ Kha muốn quay về nhà, nhưng vì nghĩ tới bạn mình, nên chị nán lại chờ bạn.
Tên Nh. chào chị
Lệ Kha, rồi bước vào bếp. Hắn vội bước trở ra, trên tay bưng một cái tô
lớn. Lúc ấy chị Lệ Kha đang nhìn chỗ khác, tránh ánh mắt của hắn.
Hắn gọi chị Lệ Kha:
- Cô hai…
Chị Lệ Kha quay lại nhìn hắn.
Hắn nói tiếp:
- Chén thuốc này chắc khó uống lắm.
Ngay tức khắc,
bằng một động tác thật nhanh và chính xác, hắn tạt “tô thuốc” ấy vào
mặt chị Lệ Kha. Vì vừa mới nhìn lại đối diện với hắn, gương mặt chị Lệ
Kha hứng trọn “tô thuốc” ấy!
Cái mà hắn gọi là “chén thuốc khó uống” ấy, chính là tô a-xít nguyên chất. Chị Lệ Kha đã bị tạt a-xit!
Chị la lên thất thanh:
- Cha ơi, chết con rồi!
Chị lăn lộn trên sàn nhà, gào thét inh ỏi.
Cha của chị Lệ
Kha chạy qua, ông không thể ôm con, vì chị quá đau đớn và lăn lộn khắp
sàn nhà. Người mẹ mù lòa sờ soạn trong đêm tối, bà nhận ra có chuyện gì
chẳng lành rồi, bà gọi to:
- Chuyện gì? Chuyện gì vậy?
Không có câu trả lời, vì không còn ai ở trong nhà.
Người ta mách bảo
lấy Bia đổ vào thau lớn, cho chị Lệ Kha úp mặt vào, và mở mắt trong
nước Bia để giảm bớt độ nguy hại… Đó là tất cả những gì có thể làm được
để cứu chị Lệ Kha trong đêm đó.
Do cha của chị Lệ Kha có quen biết trong quân đội, sáng hôm sau một chiếc trực thăng đã đưa chị về Sài Gòn cấp cứu.
Kết quả cuối
cùng, chị Lệ Kha hoàn toàn mù, gương mặt biến dạng hoàn toàn khác xưa,
không còn nhận ra một Lệ Kha xinh đẹp của ngày nào.
Còn tên Nh. trong đêm ấy hắn tẩu thoát, bỏ xứ và biệt tích.
Khi ấy chị Lệ Kha 27 tuổi, và em gái chị 17 tuổi.
Cơn đau của chị
Lệ Kha kéo dài mấy tháng trời. Da mặt khô cứng, tưởng đã lành, gỡ lớp
da đó, sẽ đến lớp da non, nhưng không, nước vàng, máu mủ đọng lại dưới
lớp da đó, rồi da lại khô cứng, và cứ thế, chu kỳ này lập đi lập lại
không biết bao nhiêu lần. Người cha đeo theo lo cho con mình không rời
nửa bước. Đứa em gái còn phải lo làm việc nhà và chăm sóc người mẹ mù
lòa nữa.
- Cha ơi, con không muốn sống nữa. Lệ Kha nghẹn ngào nói với cha mình.
- Con nói gì thế? Con không thương cha mẹ sao?
- Con không lo cho mẹ được, lại còn là gánh nặng cho cha nữa… Cha ơi, con muốn chết lắm…
- Con đừng nghĩ
lung tung, con sống là niềm vui lớn của cha. Mẹ con cũng vậy đó. Tai
nạn lớn như thế này, mà con vẫn sống. Chúa muốn con sống mà, con hiểu
không?
- Bà mẹ mù lần theo vách nhà bước lại gần bên đứa con gái bị nạn, bà nói nho nhỏ với chồng bà:
- Cho tôi rờ gương mặt con tôi xem.
- Con nó còn đau đấy bà…
- Mẹ ơi, con đau lắm, con hết còn lo cho mẹ rồi, con cũng mù như mẹ…
Im lặng…
Khó mà đo lường được nỗi đau trong lòng của cả ba người…
Theo ngày tháng, vết thương của chị Lệ Kha đã lành.
Người cha rời quân ngũ về nhà, lo cho gia đình, bây giờ là hai mẹ con mù và đứa con gái vừa mới lớn.
Đôi mắt của chị
Lệ Kha chìm sâu vào trong làm cho đôi bờ mi đã dính liền nhau, không
còn nơi để tuôn đôi dòng lệ. Đôi môi chị đã bị a-xít ăn mòn chỉ còn mỏng
như làn da cắt ngang, lệch lạc, khó mà biết được chị đang cười hay
khóc. Nhưng trong giọng cười tiếng nói, có thể nhận ra tâm hồn chị đang
tìm thấy được sự an bình ngay trong bóng đêm vô tận của đời người.
Bóng tối của thiên nhiên nhưng chị có ánh sáng của Đức Tin mãnh liệt.
Bước
vào nhà của chị Lệ Kha, luôn thấy hai chiếc ghế xếp nằm cạnh nhau,
thường thấy hai mẹ con nằm bên nhau trò chuyện. Có khi chị Lệ Kha sờ
soạn rót nước, hay lấy đồ cho mẹ.
Trên tay cả hai mẹ con thường thấy ai cũng có Chuỗi Mân Côi.
Có lần, tôi nghe cha chị Lệ Kha nói vui với vợ:
-
Bà không thấy
Chúa thương bà rất nhiều sao. Bà thường than hằng ngày nằm một mình
không có ai chuyện trò cho vui, bây giờ bà có con gái bà nằm kế một bên
rồi đó. Mặc sức mà sớm hôm hủ hỉ với nhau.
Rồi quay sang con gái mình, ông cười nói:
- Đó, con thấy chưa, con làm cho mẹ con vui đó!
2002
Dòng thời gian
trôi qua, lần lượt cha mẹ của chị Lệ Kha nằm xuống. Sau 37 năm từ ngày
trận cuồng phong ập đến đời chị, chị sống trong tăm tối, nhưng ánh sáng
Đức Tin vẫn chiếu soi đời chị và giúp chị có được nghị lực vui sống cho
đến ngày về với Chúa.
Có rất nhiều lần chị tâm sự:
- Tôi nhớ đêm hãi
hùng… Tôi vẫn còn như nghe bên tai… rõ ràng như ngay hôm nay, như
chính bây giờ, câu nói ấy ám ảnh tôi suốt đời: “Chén thuốc này chắc khó
uống lắm”… rồi ngay sau đó lóe lên một ánh lửa như sụp cả trời đất… Sau
này, mỗi lần nhớ lại, tôi cố hết sức để quên đi, cùng với sự thất vọng
và thù hận. Tôi không biết cầu nguyện gì trong tăm tối, tôi chỉ biết
thầm thỉ một câu: “Lạy Chúa, con xin dâng cho Chúa”.
Khi
nghĩ về cuộc đời chị, tôi nhớ ngay câu chị thường nhắc đến: “Chén
thuốc này khó uống lắm!”. Thật ra, chị đã uống, và đón nhận những đau
đớn tận cùng với niềm tin yêu phó thác vào Tình Yêu Thiên Chúa.
Rồi như một phản xạ sâu kín từ tâm hồn, tôi nhớ lời cầu nguyện của Chúa Giê-su ở Vườn Cây Dầu:
“Lạy Cha, nếu
có thể được thì xin cất khỏi con chén đắng này! Tuy nhiên, không phải
theo ý muốn của con, nhưng mà theo ý muốn của Cha!” (Mc 14,36).
Tôi và một vài
người thân của chị Lệ Kha - là những người sau cùng rời khỏi nghĩa
trang Giáo xứ sau khi đưa chị đến nơi an nghỉ cuối cùng… Tôi nhìn lại
một nữa…
Trong ánh nắng ban mai, bóng Thánh Giá phủ lên phần mộ của chị thiêng liêng và ấm áp.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Tiếng.