LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

TÌM HIỂU DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ

                              TÌM HIỂU DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ


Khi tìm hiểu về Phan sinh Tại thế (PSTT) không phải không có cái hiện tượng “Xùng xình như nón hai quai, như thuyền hai lái, như ai hai lòng”, chưa xác định được tầm quan trọng về bản chất và xác tín giá trị đời sống PSTT, để suốt đời gắn bó và sống chết với Chúa trong Dòng. Dịp này xin sưu tầm và chia sẻ vài ý về đặc tính của PSTT.

1. Phan sinh Tại thế có gì đặc biệt?
Gia đình Phan sinh và các văn kiện Hội Thánh vẫn gọi PSTT là Dòng Phan Sinh Tại Thế (Ordo Franciscanus Saecularis).
Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xác nhận trong dịp tổng kết Tu nghị Dòng PSTT lần V tại Rôma: “Các con cũng là một Dòng tu, một Dòng tu chân chính; Đức Bênêđíctô XV còn nói đến Phan Sinh Tại Thế là một Ordo veri nominis, nghĩa là Dòng tu chính danh. Danh xưng “Ordo” tuy xưa cũ từ thời Trung Cổ,… Tên gọi ấy nói lên rằng các con sống tu luyện với một kỷ luật khổ chế đặc thù của linh đạo thánh Phanxicô, tuy ở trong hoàn cảnh riêng của mình. Hoàn cảnh này buộc phải chấp nhận những hy sinh không kém gian nan so với đời sống tu sĩ và linh mục… Điều cơ bản là phẩm chất tốt của các thành viên trong Dòng. Như vậy các con có thể là những nhóm nhỏ, nghèo nàn về mặt nhân loại, điều quan trọng là thiện chí và tấm lòng trung thành với Chúa trong Hội Thánh. Như Jacques Maritain đã nói rất hay, các nhóm nhỏ bé ấy sẽ là những ngôi sao sáng rải khắp nơi trong đêm tối của thế giới” 1 .
Khóa Huấn luyện PSTT tại Roma 2007, anh Benedetto Lino OFS, một chuyên viên về PSTT được ơn Chúa soi sáng, anh đã dày công nghiên cứu và khẳng định mấy điều căn bản (2),

-Theo sử sách Phan sinh và Hội Thánh, thì Thánh Phanxicô Assisi đã thành lập ba Dòng (trilogie Franciscainne), cả ba Dòng đều cùng chung một lề luật là tuân giữ thánh Phúc âm Đức Giêsu Kitô hoàn hảo hơn, mỗi Dòng tùy theo bậc sống của mình.
-Các thành viên PSTT, mặc dầu bề ngoài không như là những tu sĩ theo nghĩa hẹp, nhưng qua hành vi tuyên khấn đích thực, anh chị em dấn thân sống các giá trị Phúc âm giữa đời, liên kết với các hoạt động tông đồ của Dòng Nhất và với sự chiêm niệm của Dòng Nhì. Vậy thì bản chất bên trong của người PSTT là tu sĩ tại thế đang sống trong tu viện của mình là các môi trường trần thế. Nơi hiệp thông cầu nguyện chung và thống nhất với Dòng là Huynh đệ đoàn.
“Phan sinh Tại thế là Dòng tu giữa đời, không phải gồm toàn những người đã thánh thiện, nhưng Dòng Phan Sinh Tại Thế đang là trường tu luyện đời sống trọn lành” (ĐGH Benedicto XV).

2. So với một Hiệp hội các Tín hữu (HHCTH), Dòng Ba (D3) (Giáo Luật 1983, điều 303), PSTT có đặc điểm gì?

- PSTT thì tự quản, thống nhất và tại thế, thông phần trực tiếp vào tinh thần đấng sáng lập Dòng chính là Cha thánh Phanxicô, bình đẳng với các Dòng do Cha thánh sáng lập ra.
Còn HHCTH (D3) thì liên kết, thông phần và phụ thuộc vào tinh thần của một Tu Hội Dòng.
- PSTT do Tòa Thánh trực tiếp thiết lập, chứ không phải do một Dòng tu nào. Ba nhánh của Dòng Nhất cũng như Dòng Phan Sinh Tại viện không sở hữu Dòng Ba riêng của mình. PSTT là chủ thể và đối tượng của đặc ân Tòa Thánh, được chăm sóc cách đồng đoàn bởi các tu sĩ Phan sinh, và được Hội Thánh nâng đỡ.
Còn Dòng tu nào cũng có thể lập Dòng ba riêng của mình, có thể thiếu đặc ân riêng của Tòa Thánh.
- Thành viên PSTT chỉ được khấn duy nhất trong Dòng PSTT (THC 2,1). Còn thành viên của một HHCTH này có thể là thành viên của một HHCTH khác (GL 307,2).

3. Đời sống người PSTT thế nào?
PSTT là một Dòng theo nghĩa rộng, vì do Thánh Phanxicô sáng lập, Tòa Thánh chấp thuận, có Luật và Tổng Hiến Chương do Tòa Thánh phê chuẩn, có tuyên khấn; có đặc tính tự quản, thống nhất và tại thế. Về mặt tổ chức đời sống nội tâm, PSTT được bảo đảm bởi Thánh bộ Tu sĩ và Tu hội đời; về mặt hoạt động tông đồ xã hội, PSTT được nâng đỡ bởi Ủy ban Tòa Thánh về người giáo dân.
Người Dòng PSTT, hiến mình phục vụ Nước Chúa, tuyên khấn sống Phúc âm Đức Giêsu Kitô trong Dòng PSTT suốt đời, bằng cách tuân giữ Luật Dòng, ước mơ ơn Chúa Thánh Thần, lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria, và thánh Phanxicô, cũng như sự hiệp thông với anh chị em, luôn trợ giúp tiến tới đức ái Kitô Giáo hoàn hảo (Lời Khấn Dòng PSTT).

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

THÁNH GIÁ CHỮ TAU (TÔ) THEO TRUYỀN THỐNG PHAN SINH

THÁNH GIÁ CHỮ TAU (TÔ)
THEO TRUYỀN THỐNG PHAN SINH



Tương tự nhiều nền văn hóa cổ xưa khác, theo thời gian người Do Thái cũng dần dà khai triển một thần học hoặc một sự diễn giải tâm linh thích hợp, để bổ túc cho từng mẫu tự trong bảng chữ cái của họ.
 
Vì sách Kinh Thánh của người Do Thái, và hơn nữa bảng chữ cái của người Do Thái hầu như đã không được chính thức mã hóa cho tới 200 năm sau ngày Chúa Kitô giáng sinh, đôi khi hình thức của nhiều mẫu tự đã được thay đổi tùy theo các vùng miền nơi người Do Thái sinh sống, vào thời dân Ít-ra-en hoặc vào thời lưu đày: như tại một số nơi bên ngoài lãnh thổ Ít-ra-en, thường là trong thế giới nói tiếng Hy Lạp.
 
Theo ý kiến chúng tôi, mẫu tự cuối cùng trong bảng chữ cái của người Do Thái trình bày sự hoàn thành toàn bộ Lời Thiên Chúa mạc khải. Chữ này được gọi là chữ TAU (hoặc TAW, người Do Thái phát âm là “TAV”), đồng thời có thể được viết là:  X + T. Khi sứ ngôn Ê-dê-ki-en (9, 4) sử dụng hình tượng của mẫu tự cuối trong bảng chữ cái, ngài khen ngợi Dân Ít-ra-en vẫn trung thành với Thiên Chúa cho đến tận cùng, nhìn nhận họ như “được đóng ấn” một cách biểu tượng qua dấu chữ TAU (Tô) trên trán, trong tư cách là dân tộc được Thiên Chúa tuyển chọn cho tới cuối đời. Những ai vẫn trung thành được gọi là số sót của Ít-ra-en. Họ thường là những người nghèo và đơn sơ, có lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa, thậm chí cho dù họ không hiểu được cuộc chiến đấu trong cuộc đời mình.
 
                     HUY HIỆU DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ

Mặc dù mẫu tự cuối trong tiếng Do Thái hiện thời () không còn mang hình dạng dấu thập giá, như được mô tả theo nhiều sự thay đổi đã nói ở trên, thì các nhà viết văn Kitô giáo thời đầu, khi chú giải Kinh Thánh, đã sử dụng bản dịch tiếng Hy Lạp gọi là “Bản Bảy Mươi”. Trong bản dịch Hy Lạp sách Kinh Thánh của người Do Thái (các Kitô hữu gọi là sách “Cựu Ước”) chữ TAU được viết giống như một chữ T.
 
Sau đó, dĩ nhiên đối với các Kitô hữu, chữ T đã xuất hiện để trình bày thập giá của Chúa Kitô như là sự hoàn thành các lời hứa Cựu Ước. Thập giá như được hình dung trước nơi mẫu tự cuối trong bảng chữ cái của người Do Thái, trình bày phương tiện mà nhờ đó, Chúa Kitô đã hủy bỏ sự bất tuân phục của Ađam cũ và trở nên Đấng Cứu Độ chúng ta trong tư cách là “Ađam mới”.
 
Thời Trung Cổ, cộng đoàn tu trì của Thánh Antôn ẩn tu mà Thánh Phanxicô có biết tới, đã rất quan tâm tới việc chăm sóc những người phung cùi. Những người phung cùi đó đã sử dụng thánh giá Chúa Kitô có hình dáng giống như chữ T trong tiếng Hy Lạp như một thứ bùa để tránh bệnh dịch và các thứ bệnh ngoài da khác. Trong những năm đầu sau khi hoán cải, Phanxicô đã làm việc với các vị tu sĩ này tại khu vực thành phố Átxidi và có lẽ ngài là một khách trọ thường xuyên tại nhà tế bần của họ, ở gần nhà nguyện Thánh Gioan Lateranô ở Rôma. Phanxicô thường nói tới cuộc gặp gỡ Đức Kitô cải trang dưới hình dạng một người phung cùi vào thời điểm ngài hoán cải. Không nghi ngờ gì nữa, cuối cùng Phanxicô đã chấp nhận dùng chữ T như dấu hiệu riêng hoặc như chữ ký của ngài, thánh nhân đã nối kết hình tượng cổ xưa diễn tả lòng trung thành suốt đời lại làm một với cuộc thương khó của Chúa Kitô, đi kèm với dấu hiệu đó là lệnh truyền phục vụ những người rốt hết, những người phung cùi trong thời đại của ngài.
 
Thậm chí hình chữ TAU đặc biệt còn được củng cố, khi Đức Giáo hoàng Innocent III kêu gọi một cuộc cải cách lớn lao trong Giáo hội Công giáo Rôma vào năm 1215, Thánh Phanxicô đã nghe tin Đức Giáo hoàng mở Công đồng Latêranô IV, với lời khích lệ giống như Ngôn sứ Ê-dê-ki-en trong Cựu Ước: “Chúng ta được kêu gọi canh tân đời sống, đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa trong tư cách là dân công chính.
 Thiên Chúa sẽ nhận biết chúng ta nhờ dấu chữ TAU (T) được ghi trên trán”. Hình ảnh biểu tượng đó, cũng đã được Đức Giáo hoàng này sử dụng, ngài chính là vị Giáo hoàng mà vỏn vẹn trong 5 năm trước đó đã tín nhiệm vào cộng đoàn mới mẻ của Phanxicô, một cộng đoàn đã ngay tức khắc hồ hởi đáp lại tiếng gọi cải cách của ngài. Giang rộng cánh tay ra, Phanxicô thường nói với các anh em của ngài rằng: chiếc áo dòng họ mặc cũng mang hình chữ TAU (T), nghĩa là họ được kêu gọi trở nên “ những cây thánh giá” đi động, là hình ảnh của một vị Thiên Chúa động lòng trắc ẩn và là mẫu gương của lòng trung thành cho đến ngày họ chết.
 
Ngày nay, những người đi theo Phanxicô, giáo dân hoặc tu sĩ, mang cây thánh giá hình chữ TAU, như một dấu hiệu bên ngoài, một “dấu ấn” cho sự dấn thân của họ, một sự tưởng nhớ đến cuộc chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi nhờ tình yêu tự hiến mỗi ngày. Dấu chỉ sự đối nghịch đã trở thành dấu chỉ của niềm hy vọng, một bằng chứng về lòng trung thành trong đời sống chúng ta cho đến giây phút cuối đời.

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

GIA ĐÌNH PHAN SINH

                                                                                                       
                                              THÁNH GIÁ  GIA ĐÌNH PHAN SINH

   Từ rất sớm vào thời đầu, gia đình Phan sinh đã gồm có 3 Dòng: 

  Anh em hèn mọn (Dòng Nhất),

 Các Bà nghèo “các Chị em Clara nghèo khó” (Dòng Nhì)

 Dòng Phan Sinh Tại Thế gồm các giáo dân nam nữ (Dòng Ba).

 Qua các thế kỷ, anh em Dòng nhất lại chia ra thành ba gia đình: Anh em hèn mọn (khoảng 17.000 thành viên), Anh em Viện tu (khoảng 4.500 thành viên) và Anh em Lúp dài (khoảng 11.500 thành viên).

 Các Chị em Clara nghèo khó có khoảng 900 tu viện trên khắp thế giới, với 15.000 nữ đan sĩ. Có thể cộng thêm 7 nhóm Phan sinh chiêm niệm khác (một số nhóm có Bản luật riêng và một số nhóm khác theo Bản luật của Dòng Ba Tại Viện).

 Hiện nay, Dòng Phan Sinh Tại Thế có khoảng 400.000 thành viên, cộng với 50.000 thành viên Giới trẻ Phan sinh.

 Dòng Ba Tại Viện nhánh nam gồm các nam tu sĩ có khoảng 954 thành viên. Một nhóm quan trọng khác nữa, gồm khoảng 400 Tu hội dành cho giới nữ, tuyên khấn Bản luật của Dòng Ba, với khoảng 250.000 thành viên, cũng đang được phát triển

. Đoàn sủng của Thánh Phanxicô cũng đem lại sức sống cho các gia đình Phan sinh Kitô hữu khác nữa – đây là một sự kiện được xem là độc nhất, nói đúng hơn là hiếm thấy. Có những Anh em Phan sinh và Chị em Clara nghèo khó thuộc Giáo hội Anh giáo, cũng như những Anh em Phan sinh thuộc Ấn độ giáo và các nhóm “những người bạn của Thánh Phanxicô” thuộc nhiều nền văn hóa và các tôn giáo khác nhau. Cuối cùng, vốn tự bản chất cởi mở với mọi người, nên đoàn sủng Phan sinh dễ dàng mở ra con đường đối thoại và hiệp thông với nhiều phong trào rất gần đây trong Giáo hội. (www.ofm.org – ts Giuse ofm chuyển ngữ)

THÁNH GIÁ ĐAMIANÔ



                                            
                                         THÁNH GIÁ ĐAMIANÔ

Thánh giá thánh Đamianô được vẽ vào khoảng thế kỷ 11-12, được tôn kính tại nhà nguyện thánh Đamianô tại Assisi nước Ý

 Tại chính nhà nguyện này và chính trước thánh giá này vào mùa hè năm 1206, khi chàng trai Phanxicô đang cầu nguyện tha thiết trước thánh giá: “Ôi lạy Chúa chí tôn, xin xóa tan tăm tối trong linh hồn con. Ôi lạy Chúa xin ban cho con đức tin chân thật, niềm hy vọng chắc chắn, đức ái hoàn hảo, trí hiểu và suy luận để con có thể thực hiện lệnh truyền thánh thiện và đúng đắn của Ngài.”

 Bổng nhiên lúc đó mắt Chúa Giêsu trên thánh giá mở ra và một tiếng nói nhẹ nhàng vang lên: “Phanxicô hãy đi sửa nhà thờ của ta đang đổ nát.”

 Câu chuyện kỳ diệu ấy đã được thể hiện trong bức vẽ như ACE thấy ở đây

 Đấy chính là diệu cảm để thánh Phanxicô được giác ngộ, được ơn đức tin, ơn hoán cải và quan trọng nhất là chính diệu cảm này đã thúc đẩy thánh Phanxicô thành lập Dòng AEHM mà chúng ta vẫn gọi là Dòng Phanxicô để giúp canh tân Hội thánh thời bấy giờ.

 Vì vậy tất cả các tu sĩ Dòng Phanxicô đặc biệt yêu mến thánh giá Đamianô này và coi đó như chính biểu tượng ơn gọi của mình. Một ơn gọi do chính Chúa ban cho để dấn thân phục vụ Hội thánh bằng sức mạnh của Chúa. Những hình được vẽ trên thánh giá Đamianô mang đầy ắp những chuyện kinh thánh:

  Ấn tượng đầu tiên của thánh giá Đamianô là chính hình của Chúa Giêsu. Hình của Chúa Giêsu Kitô ở đây không phải là xác của một người chết, nhưng là thân thể của chính Chúa, một thân thể không bị hư nát và đang ở trong vinh quang sự sống đời đời.

 Thân thể này của Chúa được diễn tả như là chính nguồn mạch sự sống vinh quang phục sinh cho những ai cậy trông hy vọng nơi Ngài

 Mắt Chúa Cứu Thế trong hình như đang nhìn thẳng vào chúng ta với dáng vẻ dịu dàng tha thiết đầy lòng trắc ẩn. Vì vậy ánh mắt ấy cũng toát lên sức mạnh của Đấng chiến thắng sự chết và tội lỗi

 Khi nhìn kỷ bức hình, chúng ta thấy Chúa Giêsu Kitô không bị treo lên trên thập giá, nhưng đúng hơn là Ngài đang nâng cây thánh giá lên với Người.

 Người đang đứng với dáng vẻ thật vinh quang, tay Người không bị đóng đinh vào thánh giá nhưng đang vươn ra thật thanh thản như vừa nâng cây thánh giá lên vừa chúc lành cho chúng ta. Nói chung thánh giá này không diễn tả cái chết nhục nhã đau đớn của Chúa, nhưng diễn tả vẻ đẹp của sự sống và niềm thanh thản hạnh phúc trên thiên đàng.

 Hình Chúa Giêsu lên trời ở phía trên cùng của thánh giá nổi bật trên nền màu đỏ và Ngài đang cầm thánh giá giờ đây đã trở thành dấu hiệu vinh quang chiến thắng. Rất đông đảo các thiên thần đang vui mừng chào đón Ngài về trời. Phía trên cùng thánh giá là bàn tay Chúa Cha đang ban phép lành. Ngay dưới chân Chúa Giêsu là hàng chữ Giêsu Nagiarét Vua dân Do thái.

Hai bên phía tay Chúa Giêsu có các Thiên thần với dáng vẻ đang khiếp sợ nhìn những vết thương nơi tay của Chúa. Cử chỉ bàn tay của các ngài như cho thấy các ngài đang nói chuyện với nhau về các biến cố cứu độ hồng phúc của Chúa .

 Phía bên cạnh sườn phải của Chúa là hình Đức Trinh Nữ Maria và thánh Gioan tông đồ, khi ấy Chúa Giêsu đã nói với Đức Mẹ: Thưa Bà đây là con của Bà, rồi Ngài nói với Gioan: Đây là Mẹ của anh. (Ga 19, 26)

 Còn phía bên cạnh sườn trái của Chúa Giêsu là thánh nữ Maria Mađalena, bà Maria Clêopa và viên đại đội trưởng. Ông này đang cầm một miếng gỗ diễn tả việc ông giúp xây dựng hội đường. (Lc 7, 1 – 10.

 Còn cậu bé đứng sau lưng ông chính là con trai ông đã được Chúa Giêsu chửa lành cho khỏi bệnh

Ngoài ra còn có hai hình nhỏ nữa, ở phía bên phải Chúa là hình người lính Rôma tên là Longgino đang cầm ngọn giáo mà anh ta đã đâm thủng cạnh sườn Chúa và bên trái Chúa là người lính gác đền thờ, anh này cầm cây sậy có miếng bọt biển nhúng dấm chua đưa lên cho Chúa uống.


 Hình ảnh con gà kề bên chân trái Chúa gợi lại việc ông thánh Phêrô đã chối Chúa và sau đó đã ăn năn khóc lóc thảm thiết.

Hình các thánh ở phía dưới chân của Chúa: thực ra các hình này ở bản gốc đã bị hư không còn nhận ra được đó là các thánh nào, vì vậy người ta vẽ vào đó các vị thánh nổi tiếng của Dòng Phanxicô, đó là thánh Phanxicô, thánh Clara, thánh Antôn Padua và thánh Bônaventura như chúng ta thấy trong hình hiện nay