LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Tư, 2 tháng 7, 2014

THÁNH PHANXICÔ SỐNG TINH THẦN CHÚA



Đức Kitô mà thánh Phanxicô noi theo là Đức Kitô trong nhân tính của Ngài. Tình yêu thúc đẩy ngài sống như Chúa đã sống, một cách thật sát sao. Kết quả là ngài hoàn toàn huỷ bỏ được "tinh thần xác thịt", được chi phối hoàn toàn bởi "Tinh thần của Chúa". Nhờ tinh thần này, con người sẽ tràn ngập Thiên Chúa, sẽ tìm được sự thống nhất cho cuộc sống và tính đơn sơ trong sáng.
Trong đời sống tu trì của thánh nhân, ta thấy nổi bật hình ảnh Chúa làm người. Nền đạo đức thời tiền bán Trung cổ, kể từ thánh Bênađô trở đi đã khám phá được khía cạnh nhân loại nơi Chúa Giêsu. Đây là sự kiện mà người tín hữu suy niệm một cách say mê, sốt sắng: Chúa Cứu Thế đã sống nghèo nàn, hèn mọn, bị khinh dể và bị ruồng bỏ, đã rao giảng Tin Mừng cho dân chúng, nhất là cho người nghèo khổ; đã phục dịch tất cả mọi người, nhưng ưu tiên là người bệnh tật hèn yếu; Người đã đến với mọi người không trừ ai, tìm kiếm từng kẻ có tội, chịu đau khổ và tử nạn cho nhân loại. Đó là những nét trổi bật trong bức hoạ mới mẻ về Chúa Kitô, đáp ứng được nhu cầu đạo đức của người tín hữu thời ấy một cách đặc biệt. Họ cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ đến Chúa đã trở nên anh em của mình.
Bằng cuộc sống và lời giảng dạy, thánh nhân đã vạch đường lối ấy cho con cái ngài làm lý tưởng. Chúa đã sống thế nào, Phanxicô muốn sống thế ấy, và các anh em cũng phải sống như vậy. Không ai diễn tả lý tưởng Phan sinh một cách rõ ràng và sâu sắc bằng thánh nữ Clara, đồ đệ trung thành nhất của Phanxicô:
"Con Thiên Chúa đã trở nên con đường cho ta đi theo; con đường ấy, thánh phụ Phanxicô, môn đệ yêu dấu Chúa, đã dùng lời nói và việc làm mà chỉ cho ta".
Ai trung thành đi theo vết chân Chúa, bắt chước đời Người mà không thêm bớt, kẻ ấy sẽ được Tinh thần Chúa sống động trong mình, sẽ làm cho cuộc đời và hành động Chúa phản chiếu lại trong đời sống mình như trong một bức hoạ mới. "Tinh thần của Chúa" đó là đỉnh cao và một phần nào cũng là kết quả của cuộc đời dâng hiến. Ta có thể coi đó là nòng cốt tư tưởng và thái độ sống đạo của thánh Phanxicô.Tinh thần Chúa phải lướt thắng tinh thần xác thịt, hay (nói theo kiểu mới) tinh thần của cái tôi ích kỷ. Thánh nhân đã bàn về điểm này trong Luật dòng
Ai có Tinh thần Chúa và để nó hành động trong mình, sẽ không còn suy nghĩ theo mực thước thông thường người đời nữa. Kẻ ấy sẽ không nhìn và đánh giá thực tại cuộc sống theo tinh thần thế tục, bằng cái tôi ích kỷ; trái lại nhờ Tinh thần Chúa, tất cả mọi liên hệ và cảnh huống cuộc đời đều được đặt lại trên nền tảng Phúc Âm, được nhìn và đánh giá bằng chính cặp mắt Chúa Kitô.
Qua những tư tưởng trên, ta thấy sự đòi hỏi của con đường đền tội Phan sinh rộng rãi như thế nào, vì đền tội ở đây được hiểu theo nghĩa sâu xa của Phúc Âm là: trở dạ, đổi hướng lòng (metanoia).
Xin chào bình an và thiện hảo trong Đức Giêsu Kitô .Chúa chúng ta.

THÁNH LỄ . CUỘC ĐỜI KITÔ HỮU

 Cuộc đời người Kitô hữu  là một thánh lễ được nối dài , có rất nhiều người trong chúng ta chỉ sống đạo trong nhà thờ, nhưng lại không sống đạo giữa  cuộc đời. Tới nhà thờ, họ là những con chiên ngoan. Nhưng khi thánh lễ kết thúc, bước ra khỏi nhà thờ  , họ lại vội vã dẹp bỏ niềm tin . Họ tách biệt thánh lễ ra khỏi cuộc đời và trong suốt khoảng thời gian còn lại, họ quên đi mình là người Kitô hữu.
Tôi nghĩ rằng cách sống đạo chỉ hạn hẹp trong bốn bức tường nhà thờ chắc chắn sẽ không thể nào làm đẹp lòng Chúa, bởi vì chính Ngài đã muốn chúng ta phải sống đạo giữa đời. Như Giáo Hội Việt Nam củng mời gọi chúng ta sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc . Ngài đòi hỏi chúng ta phải trở nên như men trong bột, như muối trong thức ăn, như ánh sáng trong đêm tối. Nghĩa là tình thần của Phúc âm phải thấm vào toàn bộ cuộc sống chúng ta, rồi từ nền tảng ấy, nó dần dần cải tạo cái môi trường xã hội chúng ta đang tiếp xúc.

Khi kết thúc Thánh lễ vị  Linh mục nói với chúng ta:
- Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an.
Điều ấy không có nghĩa là: thánh lễ đã kết thúc khi cánh cửa nhà thờ khép lại, trái lại còn phải mở ra cho chúng ta một thánh lễ khác nữa, thánh lễ giữa lòng cuộc đời, thánh lễ của chính cuộc sống.
 phải biến cuộc đời chúng ta trở thành một thành lễ nối dài, phải thực hiện tinh thần thánh lễ trong chính môi trường và hoàn cảnh xã hội. Hay nói một cách khác: điều quan trọng không phải chỉ là phải sống đạo trong nhà thờ, mà còn phải sống đạo trong cuộc đời. Mỗi người chúng ta phải trở nên muối ướp cho xã hội khỏi ươn thối, phải trở nên men làm cho xã hội dậy lên hương thơm thánh thiện, phải trở nên ánh sáng phá tan bóng tối đang bao phủ xã hội. Và như vậy, cuộc đời chính là một thánh lễ được nối dài.
 Thánh lễ cũng chính là cuộc đời được kết đọng lại, nhiều khi chúng ta đã có quan niệm sai lạc, coi việc đi tham dự thánh lễ là phận  sự và đi cho có lệ ,đến nhà thờ thì canh giờ , đứng ngoài cho mát ,khi LM giảng thì nói chuyện ,hút thuốc  và khi rước lễ xong là lo ra về sợ kẹt xe,thế là xong bổn phận với Chúa.Có một lần tôi hỏi một người quen.Anh bạn ,hôm nay Cha đọc bài Phúc Âm Chúa nói gì? Anh trả lời .Biết chết liền.Thật là xót xa .Họ đi dự Thánh lễ như đi     xem một vở kịch, một cuốn phim, để rồi có thái độ hoàn toàn thụ động và dửng dưng.Thà ở nhà còn hơn

Trong khi đó,Thánh lễ đòi hỏi mỗi người tham dự phải có một thái độ tích cực. Chúng ta cùng dâng thánh lễ với vị Linh mục, bởi vì chúng ta cùng sống một tâm tình, cùng dâng một lễ vật , còn là những lao công vất vả, những khổ đau buồn phiền, những gian nguy thử thách mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống. Chúng ta dâng lên cùng với Mình và Máu thánh Đức Kitô, nhờ đó những hy sinh nhỏ bé và tầm thường của chúng ta sẽ có được một giá trị thiêng liêng to lớn, trở nên như một góp phần vào hy lễ thập giá, đồng thời trở nên như những sợi chỉ vàng dệt thành tấm vải cuộc đời của chúng ta.
Như thế, dưới một góc cạnh nào đó, thánh lễ cũng chính là cuộc đời được kết đọng lại trong cuộc sống thường ngày bằng cách chấp nhận những gian khổ là như thập giá Chúa muốn chúng ta vác lấy, cũng như bằng cách thực thi những hành động bác ái yêu thương, giúp đỡ những người chung quanh. Đồng thời dâng lên Chúa những thập giá, những hy sinh chúng ta gặp phải trong cuộc sống.
Xin Chúa ban bình an cho Bạn.




HÃY ĐẾN VỚI GIÊSU

Thánh Augustinô nói: “Nơi đâu có tình yêu thì không có vất vả, mà nếu như có vất vả thì người ta cũng yêu cả nỗi vất vả ấy”. Để có được thanh thản giữa bao lo toan của cuộc sống, để có được bình an giữa muôn bão tố cuộc đời, để có được thư thái giữa bao gánh nặng chồng chất, chúng ta hãy học nơi Thầy Giêsu: “Hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Thấu hiểu nỗi truân chuyên của con người Đức Giêsu đã kêu gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
Hãy đến với Người, tất cả những ai đang “đầu tắt mặt tối” để kiếm sống, những ai “thấp cổ bé miệng”, Người sẽ ủi an bổ sức, sẽ cho họ được an dưỡng nghỉ ngơi.
Hãy đến với Người, tất cả những ai đang mang gánh nặng của quá khứ tội lỗi, của hiện tại yếu hèn, của tương lai chông chênh, Người sẽ xoa dịu vỗ về, sẽ ban cho họ sự bình an thanh thản.
Đức Giêsu còn tha thiết mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi… Vì ách của tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” cái ách của Đức Giêsu là thánh giá là ,bổn phận hằng ngày của người tin hữu trong đời sống . Vì chính con đường chúng ta đang tiến bước là con đường tình yêu, hành trình mà chúng ta đi tới là hành trình Nước Trời.
Chính trong tình yêu mà chúng ta cảm thấy bình an giữa cơn giông tố, niềm hân hoan trong lúc khổ đau.
Chính trong tình yêu mà cái ách sần sùi trở nên êm ái, và cái gánh nặng nề hóa ra nhẹ nhàng.
Đức Giêsu đã làm gương trước khi dạy chúng ta hãy sống hiền lành và khiêm nhường; là Thiên Chúa cao cả quyền năng, nhưng Người lại hạ mình xuống làm kiếp phàm nhân để yêu thương và cứu chuộc con người.
Tột đỉnh của sự hiền lành và khiêm nhường nơi Đức Giêsu chính là Người đã hạ mình, vâng lời cho đến chết, và chết trên cây thập giá. Chiều thập tự mây cứ thong thả bay. Và lời kinh cứ tiếp tục xuôi theo thời gian gởi vào cuộc đời: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm”
 Trong cõi lòng hiền lành và khiêm nhường Đức Giêsu bao giờ cũng gói trọn con tim bao dung độ lượng tình yêu thương 
Đức Giêsu nhắc nhở chúng ta: trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, nhất là những khi vất vả hay khổ đau, chúng ta hãy đến với Chúa, Chúa sẽ nâng đỡ, bổ sức cho chúng ta.Tạ ơn Chúa
Xin Chúa ban bình an cho các Bạn .
v

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

DẤU THÁNH GIÁ

                       “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”

Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa là chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi .Không phải riêng tôi mà tất cả mọi Kitô hữu mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta luôn làm dấu thánh giá. Thánh Phaolô cũng thường mở đầu và kết thúc các thư của ngài một cách tương tự: “Nguyện xin ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.

 Người Kitô hữu biểu lộ thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn vinh Chúa. Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ thầm nguyện ở trong lòng mà không làm dấu thánh giá bên ngoài. Nhưng cách này hay cách kia, chúng ta đều ý thức rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy: “Dù ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự để tôn vinh Thiên Chúa”. chúng ta đề cập đến dấu thánh giá để nói lên lòng chúng ta tin nhận một Thiên Chúa độc nhất có Ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Mầu nhiệm Ba Ngôi được coi như một công thức mà Giáo Hội sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt: từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất cả đều bắt nguồn ở công thức duy nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên trời. Trong đời sống một người tín hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến khi chết , biết bao nhiêu lần công thức ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã được nhắc tới một cách máy móc, vô ý thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy, chúng ta cần sửa chữa lại điều không tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và tôn kính.Vì khi chúng ta làm dấu thánh giá là chúng ta nhân danh CHÚA BA NGÔI .

Xin Chúa chúc lành cho các Bạn.

CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN .A


25 Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. 26 Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
27 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha ; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
28 "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng

Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe lời kêu mời tha thiết của Chúa Giêsu: "Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho các ngươi". Mỗi người chúng ta có lẽ giờ phút này cũng mang đến đây một gánh nặng, gánh nặng của những âu lo trong cuộc sống và nhất là gánh nặng của tội lỗi đang đè nặng trong lương tâm của ta.

Tin ở tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mang những gánh nặng đó cho Chúa Giêsu để xin Ngài tiếp tục độ trì, nâng đỡ chúng ta và tin ở tình yêu tha thứ của Chúa, chúng ta cũng mang đến cho Ngài những gánh nặng tội lỗi của mình để xin Ngài tẩy rửa tâm hồn chúng ta.
.Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay nêu bật tính cách nhưng không ấy của đức tin. Chúa Giêsu đã cảm lạ Thiên Chúa Cha vì đã giấu ẩn không cho những nhà hiền triết và khôn ngoan thông thái biết những chân lý về mầu nhiệm Nước Trời, mà chỉ mạc khải cho những kẻ bé mọn đơn sơ
Thật vậy, đức tin là một hồng ân nhưng không của Thiên Chúa ban cho, nhưng chỉ có những ai biết mở rộng tâm hồn, biết dốc cạn chính mình, biết chối từ những chỗ dựa của trần thế như tiền bạc, danh vọng, quyền bính, chỉ có những ai có tinh thần nghèo khó, đơn sơ như thế mới cảm nhận được đức tin, mới hiểu biết được mầu nhiệm Nước Trời.
Thánh Phaolô đã diễn tả một cách chính xác cái nhìn ấy của Chúa Giêsu như sau: "Những gì con người cho là yếu nhược thì lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Những gì con người cho là ngu dại thì đó lại chính là lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa". Lý luận và khôn ngoan ấy cũng là lý luận của tình yêu. Bởi vì cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá là một cái chết của tình yêu.
Chúng ta đang tham dự vào mầu nhiệm Thập giá của Chúa Giêsu, khi Ngài đã đoan hứa với chúng ta: "Hỡi những ai gồng gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ bổ sức nâng đỡ các ngươi".
Nguyện xin sức sống của Ngài mà chúng ta tiếp nhận trong Thánh lễ mỗi ngày bổ sức cho chúng ta, để chúng ta bước đi theo Ngài và mãi mãi được thốt lên như thánh Phaolô:
"Tôi sống nhưng không phải là tôi sống, mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi" 
Tạ ơn Chúa

GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG

Có một nhà thông luật trong nhóm Pha-ri-sêu hỏi Đức Giêsu .Thưa Thầy,trong sách luật Mô-sê điều răn nào cao trọng nhất ?
Ðức Giêsu đồng ý với nhà thông luật đó trong việc dạy về lề luật. Theo Ngài thì có hai giới luật cao trọng nhất. Hai giới luật đó là nền tảng cho tất cả các luật lệ khác. "Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môi-sê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào điều răn ấy" (Mt 22,37-40).
                                    Yêu Thiên Chúa
Ðối với Thiên Chúa thì tình yêu của chúng ta là tình con đối với cha. Yêu với hết cả tâm hồn, tin tưởng, phó thác, cậy trông, và vâng lời thảo hiếu. Và phải học biết bắt chước Cha của mình ." Là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải cố gắng trở nên giống Cha của mình. Chúng ta phải bắt chước thái độ của Cha chúng ta đối xử vớ  i người khác, và với con cái của Ngài như lời Ðức Giêsu đã dạy: "Các ngươi nên như những người con của Cha các ngươi, Ðấng ở trên trời; vì Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như những kẻ bất chính" (Mt 5,45). Tóm lại, yêu Thiên Chúa là sống xứng đáng với địa vị là con cái của thiên Chúa có nghĩa là chúng ta phải đối xử với những người khác như Thiên Chúa đối xử với chúng ta.
                                 Yêu Người Thân Cận
Lòng nhân lành của Thiên Chúa thì không có sự phân biệt, và vượt lên trên sự công bằng. Cho nên tiếng người thân cận hay đồng loại phải được tái định nghĩa. Trong dụ ngôn người Samaritanô cho chúng ta khái niệm về việc nhận biết ai là người thân cận, ai là người tha nhân đồng loại. Yêu người thân cận, hay yêu tha nhân đồng loại là làm cho họ những gì cần thiết phải làm trong lúc nguy ngập, bất kể họ là ai, người quen biết hay kẻ xa lạ, bạn hữu hay kẻ thù nghịch. Ðức Giêsu nói rất rõ, "Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện" (Mt 5,46-48).
"Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây, "hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em; hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh em má bên này, thì hãy đưa cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh em, thì cũng đừng cản họ lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh em, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác. Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Ðấng nhân từ" (Lc 6,27-36).
Nếu hiểu cách nghiêm chỉnh đây là lề luật áp dụng cho đời sống hằng ngày thì quả thật nhân loại và tất cả Kitô hữu chúng ta còn sống rất xa lề luật của Thiên Chúa. Không biết cho đến bao giờ chúng ta mới sống được như vậy. Tuy nhiên đây là hướng dẫn cho cuộc sống mà Thiên Chúa muốn chúng ta thận trọng để ý nhắm tới. Ðây cũng là những nguyên tắc và thí dụ cụ thể cho phẩm cách của con cái Thiên Chúa trong mối tương giao với người khác. Ðức Giêsu thừa biết là Ngài đòi hỏi cách ngoại thường khi Ngài thay thế luật yêu thương người thân cận bằng việc yêu thương cả kẻ thù nghịch. Ngài cũng đã kêu gọi đến trách nhiệm phải tha thứ khi Phêrô hỏi, "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?" Ðức Giêsu đáp, "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy" (Mt 18,21-22).
Phêrô ý thức rằng tha thứ là một việc làm thuộc nhân đức, nhưng ông muốn được biết rõ ông phải tha thứ cho người ta tối đa là bao nhiêu lần. Theo ý nơi câu trả lời của Ðức Giêsu thì có nghĩa là việc tha thứ sẽ không có giới hạn. Ðức Giêsu nhấn mạnh như thế là vì Ngài muốn tỏ ra rằng thời điểm dấn thân trọn vẹn đã đến. Việc dấn thân của con cái Thiên Chúa sẽ không có giới hạn, và cho dù có hoàn tất những huấn lệnh của Ngài, việc đó cũng chẳng kể là chi:
"Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói, "Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi" (Lc 17,10). Việc con người có thể làm chu toàn bổn phận phải làm trước mặt Thiên Chúa, và rồi hãy phó thác cho lòng nhân lành của Ngài. Tha thứ bảy mươi lần bảy là việc làm của Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời Ðức Giêsu cũng nói, "Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em" (Mt 6,14-15). Ðây không phải là một sự đe dọa trả thù của Thiên Chúa. Nhưng nó có nghĩa là người không tha thứ là người không được đứng vào hàng ngũ của con cái Thiên Chúa Cha trên trời. Họ đã làm đứt giây liên lạc bởi chính hành động không tha thứ, không đối xử với tha nhân theo nguyên tắc của con cái Thiên Chúa. Và do đó họ tự loại mình ra khỏi gia đình của Thiên Chúa.
 Ý Hướng Ngay Lành
Một cách rất hiển nhiên về đạo lý của Ðức Giêsu là Ngài chú trọng vào giá trị của con người và trách nhiệm của con người đối với Thiên Chúa. Tất cả mọi lề luật và mọi sự đều nhắm chủ đích hoàn hảo hóa đời sống con người trong tình liên hệ Thiên Chúa. "Lề luật cho con người chứ không phải con người vì lề luật." "Ngày Sabath cho con người chứ không phải con người vì ngày Sabath." "Trong ngày Sabath nên làm lành hay làm ác?" (Lc 6,9; Mt 12,9-14; Mc 3,1-6).
Ðức Giêsu cũng dạy phải thành tâm khi cầu nguyện và làm việc lành phúc đức. "Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình" (Mt 12,35). "Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả, thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh em bố thí được kín đáo, và Cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo sẽ trả lại cho anh em. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đao đức giả, chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh em, khi cầu nguyện, hãy vào phòng đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh em, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và cha của anh em, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh em" (Mt 6,1-6).   
Xin Chúa chúc lành các Bạn