LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

THÁNH PHANXICÔ TRONG TƯƠNG QUAN VỚI MẸ MARIA



Nói đến thánh Phanxicô người ta thường nghĩ tới cuộc đời cụ thể của ngài, một con người sống nghèo khó, huynh đệ, thân thiện với thiên nhiên, với mọi loài thụ tạo. Người ta hầu như không biết gì đến các Di-cảo của ngài (ngoại trừ Kinh Hoà bình, mà kinh này cũng không trực tiếp phát xuất từ ngài ), và từ đó không biết gì về thế giới nội tâm và nhất là thế giới thần bí của Ngài.

Động lực đã làm ngài thay đổi cuộc đời, chính là cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa hằng sống.Vì thế qua kiểu nói "thế giới thần bí", chúng tôi muốn nghĩ tới quan niệm của ngài về mầu nhiệm Thiên Chúa và những gì liên hệ đến Thiên Chúa.


 Chính từ cuộc gặp gỡ đó với ThiênChúa, với Chúa Kitô, mà
Phanxicô vạch ra những hướng đi thiêng-liêng mà ta gọi là                            "Linh đạo Phan-sinh".
            Phanxicô quan niệm về Mẹ Maria

Thánh Phanxicô thường gọi Đức Maria một cách kính cẩn với tước hiệu là "Đức Trinh Nữ Ma-ri-a hiển vinh và thánh thiện" (Lksc 23,4; 2TTh 4; TTd 21).

Ngay từ khi được ơn hoán cải, thánh Phanxicô đã có lòng tôn sùng đặc biệt đối với Đức Maria. Trong số các nhà thờ hư hỏng mà thánh nhân tu bổ, có ngôi đền thờ nhỏ bé dâng kính Nữ Vương các Thiên thần tại Portiuncula. Thánh Bonaventura viết:

"Thấy ngôi đền thờ bị bỏ hoang, người của Thiên Chúa thường tới đó trú ngụ để làm việc, vì người yêu mến thiết tha Đức Maria, Nữ hoàng của thế giới... Người luôn luôn yêu mến chỗ này hơn bất cứ chỗ nào khác trên trần gian: chính nơi đó, người đã bắt đầu một cách khiêm tốn; nơi đó, người đã đạt tới đỉnh trọn lành diễm phúc; chính nơi đó, lúc sắp lìa trần, người giao phó cho anh em như một nơi được Đức Trinh Nữ đặc biệt yêu mến" (Đại Truyện III,8).

Sử gia Tôma Cêlanô nói với chúng ta lý do sâu xa của lòng tôn sùng ấy:

"Thánh Phanxicô yêu mến Mẹ Chúa Giêsu với một tình yêu khôn tả vì Mẹ đã trao ban cho chúng ta Chúa tể oai hùng làm người Anh" (2 Cel 198).

Câu này cho thấy thánh nhân đặc biệt nhìn Đức Maria trong tương quan với mầu nhiệm Nhập thể. Chính Mầu nhiệm này đã đưa Con Thiên Chúa từ địa vị oai phong và cao cả tới địa vị người Anh, người Bạn, người Tôi tớ của loài người, và Đức Maria là Mẹ của Ngôi Lời nhập thể đó. Cêlanô viết tiếp:

"Người đã đặt ra những lời ca ngợi, những lời khẩn nguyện và dâng lên Mẹ những tâm tình dạt dào và sâu xa không miệng lưỡi nào có thể phô diễn được. Nhưng điều làm chúng tôi vui sướng nhất là người đã chọn Mẹ làm Đấng Bảo trợ Dòng và đặt mọi anh em mà người sắp phải lìa bỏ dưới cánh áo của Mẹ để Mẹ ấp ủ và che chở cho tới cùng".
Tập "Tác phẩm" còn giữ lại cho chúng ta một số kinh của thánh Phanxicô mà Xêlanô đã nhắc tới, đặc biệt là hai kinh:

- Kinh "Kính chào Đức Trinh Nữ Ma-ri-a" (Salutatio B.M.V.)

- Điệp ca "Lạy Thánh Nữ đồng trinh Ma-ri-a" (Sancta Maria Virgo)

(x. "Tác phẩm thánh Phanxicô", ấn bản Việt ngữ 2009, tr.194 và tr.210).

 Phương cách thánh Phanxicô chiêm ngắm
                             Đức Mẹ
Qua các kinh ấy, người ta nhận thấy là thánh Phanxicô thường nhìn Đức Maria trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi. Tiêu biểu nhất là lời mở đầu của Kinh "Kính chào Đức Trinh Nữ":

                         Kính chào Bà, Nữ hoàng thánh thiện,
                         Thánh Mẫu của Thiên Chúa,
                         Maria nữ trinh đã trở thành ngôi đền thờ,
                         được Chúa Cha chí thánh trên trời tuyển chọn.
                         Chúa Cha cùng với Chúa Con chí thánh dấu yêu
                        và Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo trợ, đã thánh hiến                                                                                                  Bà.
                         Bà đã được và đang được tràn đầy ơn phúc và mọi                                                                                        điều thiện hảo.

"Ngôi đền thờ" có hai nghĩa: đó là ngôi nhà thờ vật chất; nghĩa này có thể được hiểu theo nghĩa tượng trưng, kiểu như mỗi tín hữu là "đền thờ của Chúa Thánh- thần"; Đức Maria là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi; nghĩa thứ hai của  là Giáo-hội: theo nghĩa này thì Đức Ma-ri-a là hiện thân, là hình ảnh tiên báo Giáo-hội.

Trong tương quan với Chúa Cha, Đức Maria là "Ái nữ và Nữ tì" . Trong tương quan với Chúa Con, Bà là Thân mẫu. 

Vào thế kỷ XIII, bè rối Cathares chịu ảnh hưởng của ảo thể thuyết, phủ nhận việc Đức Maria đã cưu mang và sinh hạ Chúa Giêsu như mọi người mẹ ở trần gian. 
Phần thánh Phanxicô, vì thâm tín rằng Đức Maria là Mẹ thật của Ngôi Hai làm người nên đã kính chào Mẹ bằng những tước hiệu rất cụ thể :
                          Kính chào cung điện của Chúa,
                          Kính chào Nhà Tạm của Chúa,
                          Kính chào ngôi đền của Chúa,
                          Kính chào hoàng bào của Chúa,
                          Kính chào Nữ tì của Chúa,
                          Kính chào Thân mẫu của Chúa".

Sau hết, trong tương quan với Chúa Thánh Thần, Đức Maria được gọi là "Huyền thê của Chúa Thánh-thần " 


Nhờ việc suy niệm Lời Chúa, thánh Phanxicô đã hiểu rõ là chính nhờ tác động đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần mà Ngôi Lời đã đầu thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria theo như Phúc Âm đã trình bày (Lc 1,35) và Kinh Tin Kính đã khẳng định ("Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần, Người (Đức Giêsu Kitô) xuống thai sinh bởi Bà Maria đồng trinh").

Tước hiệu "Huyền thê của Chúa Thánh Thần" là một tước hiệu mới mẻ, lần đầu tiên xuất hiện trong Giáo Hội. Nó có thể làm chúng ta ngạc nhiên. Nhưng về sau các nhà thần học nổi tiếng đều dùng: trong Dòng, thánh sư Lôrenxô Brinđisi ; ngoài Dòng, các thánh Gioan Euđê, Luy Ma-ri-a Grignion de Monfort và Anphongxô Ligôri đã khai thác tước hiệu này. Các Đức Giáo Hoàng Lêô XIII, Piô XII, Gioan XXIII đều đã dùng tước hiệu này .Mới đây, trong kinh cầu Đức Mẹ trong năm Thánh Mẫu, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã dạy chúng ta cầu nguyện:
 "Chúa Thánh Thần đã yêu thương Mẹ như Tân nương diệu huyền và đã dành riêng cho Mẹ bao hồng ân cao quý".

Vì được Thiên Chúa Ba Ngôi tuyển chọn và thánh hiến nên "nơi Đức Maria đã có và đang có mọi ơn phúc dư đầy và mọi điều thiện hảo ( Kinh "Kính chào Đức Trinh Nữ Maria).

Thánh Phanxicô không phải là một lý luận gia, nhưng tâm hồn chiêm ngưỡng của người và cách thức người nhìn Đức Mẹ trong tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi, nhất là với Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập thể, sẽ ảnh hưởng sâu xa trên tư tưởng thần học của con cái người về sau và cho anh em sống Linh Đạo Phan Sinh .






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét