LINH ĐẠO DÒNG PHAN SINH TẠI THẾ (OFS) SỐNG PHÚC ÂM ĐỨC GIÊSU KITÔ-ĐI TỪ PHÚC ÂM ĐẾN CUỘC SỐNG-VÀ TỪ CUỘC SỐNG ĐỀN PHÚC ÂM

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

THÁNH PHANXICÔ .VÀ SỰ NGHÈO KHÓ CỦA CON NGƯỜI




 Thánh Phanxicô xem đức nghèo là nền tảng của đời sống cộng đoàn, bởi vì nghèo khó là nền tảng của sự lệ thuộc hỗ tương. Khi chúng ta túng thiếu, chúng ta lệ thuộc người khác.
 Phanxicô xem Đức Kitô là gương mẫu và trung tâm của cộng đoàn, chỉ vì Người đã sống nghèo và tồn tại nhờ của bố thí, vì thế mà sống nghèo là lệ thuộc người khác (và lệ thuộc Thiên Chúa). 
Tóm lại, quyền tư hữu có thể làm phương hại đời sống cộng đoàn, vì khi chúng ta có của riêng cùng lòng ham muốn sở hữu, chúng ta không cần đến người khác nữa. Xét như là hành động sở hữu, quyền tư hữu có thể tạo nên óc tự mãn, độc lập và chia rẽ. Vì óc chiếm hữu mà chúng ta có thể đặt mình trên người khác, hay chống lại kẻ khác.
 Thánh Phanxicô chỉ ra rằng người ta sống chung với nhau không phải vì có một quan điểm chung hay vì công việc chung, mà vì Thánh Thần tình yêu. Là sự lệ thuộc triệt để, đức nghèo là ngôn ngữ tình yêu, là quan tâm lẫn nhau. Ngôn ngữ ấy muốn nói rằng: “Tôi cần bạn, tôi cần tài năng và sự tốt lành của bạn, ý kiến và sự trợ giúp của bạn. Căn tính và bản chất của bạn là điều thiết yếu đối với tôi, bởi vì không có bạn thì tôi không thể là tôi thật sự.”
 Đức nghèo là tác nhân của sự bình đẳng, bởi vì đức nghèo làm cho mọi người lệ thuộc và quảng đại với nhau. Đó là một hình thức tuân phục, bởi vì nó liên quan đến việc buông bỏ ý riêng vì yêu thương nhau.
 Đức nghèo phát biểu bằng ngôn ngữ tình yêu hỗ tương, bởi vì trong thực chất thì đức nghèo muốn nói rằng: “Tôi cần bạn giúp tôi hoàn thành cuộc sống của mình.” Nếu chúng ta không tự nguyện buông bỏ những điều mình bám víu khi tương quan với nhau, chúng ta không có đức nghèo và cũng không thể quý trọng những quà tặng của tình yêu mà Thiên Chúa đã gieo trồng nơi mỗi con người độc đáo, và trong mọi khía cạnh của tạo thành. Chỉ khi nào chúng ta sống mà không có của riêng và không bám víu sự vật, bấy giờ chúng ta mới được tự do và cởi mở mà nhận lãnh tình yêu Thiên Chúa qua sự tốt lành nhỏ bé của tạo thành.

Đức nghèo nhắc chúng ta nhớ lại sự thật thâm sâu của đời sống con người: Chúng ta là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên và lệ thuộc Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Chính đức khiêm hạ, chị em của đức nghèo, thúc đẩy chúng ta nhìn nhận mọi sự chúng ta có đều là quà tặng. Khiêm hạ là chấp nhận con người đích thực của mình, những mặt mạnh và yếu kém, và lấy tình yêu mà đáp lại quà tặng sự sống. Nhờ đức khiêm hạ mà người ta có thể mở lòng đón nhận một tinh thần mới và dâng trả tạo thành cho Chúa Cha. 
Thomas Merton nói rằng, nếu chúng ta thật lòng khiêm hạ, chúng ta sẽ không lo lắng về mình, mà chỉ lo sao được ở với Thiên Chúa.[21] Một quan niệm như thế dường như chỉ có thể áp dụng cho các thánh. 
Tuy vậy, khi chúng ta được giải thoát khỏi những quyến luyến đối với sự vật mà chúng ta bám víu, bấy giờ chúng ta có thể theo đuổi những mục tiêu thiêng liêng, sống thật sự trong tình yêu và tận hiến trong đời sống thờ phượng.
 Nói như thế không có nghĩa là chúng ta đừng chú ý đến trái đất, nhưng hãy hướng mắt về một nơi gọi là thiên đàng mà chúng ta có thể tưởng tượng.
 Thật ra, tôn thờ Thiên Chúa là nhìn ngắm sự tốt lành của mọi loài thụ tạo có mặt trên quả đất này, một hành tinh tuyệt diệu đang xoay vần trong giải ngân hà. 
Tôn thờ Thiên Chúa là nhận thức rằng mọi thụ tạo đều do Thiên Chúa dựng nên, đồng thời chúng phản ánh quyền năng, sự khôn ngoan và sự tốt lành của Thiên Chúa, và được dựng nên để chia sẻ sự sống trong Thiên Chúa.
 Nhờ đức nghèo, chúng ta có thể chiêm ngắm sự tốt lành của Thiên Chúa nơi tạo thành, bởi vì đức nghèo cho chúng ta sự tự do để nhìn thấy sự vật như chúng là: Đó là những quà tặng độc đáo, không thể nhân bản và đầy yêu thương của Thiên Chúa.
 Chỉ những ai cảm nghiệm và nhìn thấy thế giới như một biểu hiện của tình yêu Thiên Chúa, kẻ ấy mới có thể từ bỏ lòng ham muốn chiếm hữu. Trong tương quan giữa người với người, đức nghèo cho phép chúng ta mở lòng ra mà chấp nhận lẫn nhau, đón nhận và chia sẻ với nhau
 Đức nghèo là nền tảng của ơn gọi làm người, bởi vì đức nghèo liên quan đến  tự hủy. Nếu việc chia sẻ tình yêu là đặc điểm của ba ngôi Thiên Chúa, sự nghèo khó cũng là nền tảng của một cộng đoàn nhân loại đích thực. Chỉ việc quan tâm đến nhau mới thật sự làm cho đời sống có tính nhân đạo hơn
 Barbara Fiand khẳng định rằng, sở dĩ người nghèo (về mặt kinh tế) được chúc phúc, ấy là vì họ biểu thị cho sự liên đới, biểu lộ sự thiếu thốn của mình và hiểu rõ sự thiếu thốn của mình. Chính sự thiếu thốn này làm cho họ cởi mở, có tinh thần tiếp thu và có lòng biết ơn.[22]
 Những ai đủ cởi mở và trống rỗng, cần tiếp nhận và muốn trao ban những gì mình đã đón nhận với lòng biết ơn, kẻ ấy mới là những người nghèo và có khả năng chỉ dạy chúng ta biết con đường nghèo khó là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa.


Tôi biết có những người hết sức xúc động khi nhớ lại những tác hại nhỏ nhặt mà người khác gây ra cho mình trong quá khứ, cho dù kẻ gây ra những cảm xúc đau đớn ấy đã chết lâu rồi. 
Người ta có thể giữ chặt những bóng ma trong quá khứ và không chịu sống trong hiện tại. 
Họ không phải là người nghèo và không thể vui hưởng sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa. Thánh Phanxicô xem sự tức giận, hay sự nao núng vì tội lỗi của người khác là mặt nạ che đậy lòng ham muốn chiếm hữu.
 Người bảo chúng ta hãy quan tâm đến người có tội hơn là tội lỗi của người ấy. Nếu không, chúng ta sẽ bám víu vào sự tức giận và cảm thấy khó chịu, bởi vì chúng ta tự cho mình là người công chính và có quyền xét đoán kẻ có tội.[19]

 Sự tức giận có thể làm cho đời sống cầu nguyện tiêu tan và cản trở chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa.

 Trong Huấn ngôn 14, thánh Phanxicô đã viết:

“Có lắm người chuyên cần đọc kinh cầu nguyện và ăn chay phạt xác, nhưng khi có ai nói lời gì đó có vẻ xúc phạm đến họ, hay lấy mất vật gì của họ, thì họ liền nổi giận và mất hết bình tĩnh. Những người như thế không có tinh thần nghèo khó.”[20]





1 nhận xét:

  1. Sự tức giận có thể làm cho đời sống cầu nguyện tiêu tan và cản trở chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa.

    Trả lờiXóa